Vùng trồng trinh nữ hoàng cung đạt chuẩn GACP-WHO: Bước tiến mới trong sản xuất dược liệu

13/11/2012
Theo đánh giá của Viện Dược liệu, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng dược liệu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các sản phẩm Đông dược Việt nam lại chưa được đánh giá cao do nguồn nguyên liệu đầu vào vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, với việc vùng trồng Trinh nữ hoàng cung (TNHC) tại Long Thành – Đồng Nai của Công ty Thiên Dược đạt tiêu chuẩn GACP – WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới), chúng ta tin rằng dược liệu và thuốc Đông dược của Việt Nam sẽ từng bước khẳng định vị thế, thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, người đã nghiên cứu, xây dựng và phát triển vùng trồng Trinh nữ hoàng cung theo tiêu chuẩn GACP- và là tác giả của viên thuốc Crila - thuốc điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung đã chia sẻ với PV An ninh Thủ đô về chủ đề này.



Báo an ninh thủ đô -Xuân 2012
23/03/2012

PV: Dưới góc độ của một nhà khoa học đã có gần 20 năm nghiên cứu về dược liệu. Xin bà cho biết vì sao các doanh nghiệp cần thực hiện GACP- WHO ?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Hiện nay, trong việc sản xuất các loại thuốc từ dược liệu, nước ta mới chỉ quản lý được đầu ra là chủ yếu. Nguồn dược liệu đầu vào thực tế hiện nay chưa kiểm soát được chất lượng. Do đó chất lượng của sản phẩm thuốc từ dược liệu chưa cao. Chỉ riêng dược liệu trinh nữ hoàng cung ở Việt Nam có tới 7 cây có hình thái thực vật giống cây TNHC chỉ khác nhau về gen (ADN), nên việc chọn đúng cây TNHC có hàm lượng hoạt chất sinh học để làm thuốc là một vấn đề lớn.

Hiện nay trên thị trường nhiều người bệnh nhầm lẫn và nhà sản xuất cũng nhầm lẫn cây TNHC với cây náng trắng, điều đó dẫn đến sản phẩm tạo ra từ dược liệu không đúng ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Một số cơ sở sản xuất không kiểm tra nguyên liệu đầu vào nên sản phẩm sản xuất từ dược liệu chất lượng còn thấp và bài thuốc khi chuyển từ dạng bào chế theo y học cổ truyền sang dạng bào chế hiện đại không đạt hàm lượng hoạt chất sinh học nên ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị Vì nhận thức được tầm quan trọng của nguyên liệu đầu vào để đảm bảo tạo được viên thuốc an toàn, chất lượng, hiệu quả chúng tôi thấy các doanh nghiệp cần thực hiện quản lý chất lượng sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng, thu hái và sản xuất tốt WHO-GACP không chỉ là một yêu cầu tất yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn thực hiện y đức của người làm thuốc phục vụ tốt sức khỏe cộng đồng.

PV: Được biết, vùng trồng cây Trinh nữ hoàng cung của công ty Thiên Dược là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo tiêu chí này. Làm thế nào để việc trồng Trinh nữ hoàng cung đạt các tiêu chí GACP-WHO?


TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Vùng trồng Trinh nữ hoàng cung tại Long Thành, Đồng Nai được hình thành từ năm 1999 với diện tích 15 ha và đã tiến hành thực hiện trồng, chăm sóc và thu hái dược liệu theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO. Chúng tôi chọn giống từ cây hoang dại, dựa trên đặc tính di truyền (ADN) của cây TNHC và đã được các nhà thực vật học hàng đầu của Việt Nam (GS.TSKH. Đỗ Tất lợi, GS.TSKH. Trần Công Khánh, PGS.TS. Võ Văn Chi) xác nhận về mặt thực vật học cây Trinh nữ hoàng cung có tên khoa học Crinum latifolium L. họ Amaryllidaceae.

Chúng tôi đã lựa chọn được giống cây khỏe, cho ra lá có đủ hoạt tính sinh học dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc Crila điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Vùng trồng TNHC của Công ty Thiên Dược tại Long Thành – Đồng Nai là vùng trồng đạt các chỉ tiêu đã được nêu ra theo GACP – WHO. Vị trí vùng trồng thuận lợi, cách xa đường giao thông lớn 1 km, không bị ô nhiễm bởi khu dân cư đông người, không gần các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, khu nghĩa trang, có khí hậu thích hợp với cây trồng. Nước tưới đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01: 2009/BYT do Bộ Y tế ban hành. Tuyệt đối không sử dụng phân hóa học và chất kích thích tăng trưởng trong trồng trọt, thuốc trừ sâu, phải bắt sâu bằng tay hoặc diệt sâu bằng pheromon là chất tổng hợp có cấu trúc hóa học giống như chất chiết được từ sâu cái dùng làm mồi nhử đặt vào bẫy để bắt sâu đực ngăn chặn sâu cái thụ tinh đẻ trứng, sinh sản sâu con.

PV: Để việc áp dụng tiêu chuẩn GACP có hiệu quả không chỉ đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt và tính chuyên nghiệp trong thực hành tốt trồng trọt và thu hái mà doanh nghiệp cũng cần đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực tương ứng. Đây là yếu tố mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có. Vậy, tại Công ty TNHH Thiên Dược, việc kết hợp các yếu tố này thực hiện ra sao?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Để việc thực hiện nuôi trồng, thu hái theo tiêu chuẩn GACP – WHO có hiệu quả, điều quan trọng là phải kiểm soát được tất cả các khâu trong nuôi trồng, thu hái, bảo quản. Để thực hiện được các tiêu chuẩn của GACP – WHO tốt phải có hai điều kiện: cơ sở vật chất và con người. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật nông nghiệp nuôi trồng, thu hái cây TNHC phải nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi trồng thu hái. Về cơ sở vật chất phải đảm bảo được các tiêu chuẩn đã đề ra của tiêu chuẩn GACP – WHO. Nếu có cơ sở vật chất tốt nhưng đội ngũ cán bộ kỹ thuật không đáp ứng cũng không thực hiện được. Vì xác định được tầm quan trọng của hai yếu tố trên nên Công ty chúng tôi trong những năm qua đã huấn luyện cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật nông nghiệp nắm vững kỹ thuật nuôi trồng dược liệu theo WHO.

PV: Việc thực hiện nuôi trồng dược liệu theo GACP-WHO và sản xuất thuốc từ nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP – WHO sẽ tạo ra sự khác biệt lớn về uy tín chất lượng sản phẩm  giữa các doanh nghiệp sản xuất đông dược. Người tiêu dùng có thể xem đó là một tiêu chí để lựa chọn thuốc điều trị hay không?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Một viên thuốc có chất lượng cao, an toàn và hiệu quả nhất thiết phải quản lý được nguồn dược liệu đầu vào, phải đạt các tiêu chuẩn của GACP – WHO và nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu cũng phải đạt tiêu chuẩn GMP – WHO. Viên thuốc Crila được sản xuất từ vùng trồng TNHC đạt tiêu chuẩn của GACP – WHO và nhà máy của Công ty Thiên Dược đã được Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc), GLP (Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc), GSP (Thực hành tốt bảo quản thuốc). Để cho người bệnh chọn đúng sản phẩm, theo tôi điều vô cùng quan trọng cần làm ngay đó là phải có những chương tuyên truyền về sự khác biệt của thực phẩm chức năng và thuốc để người bệnh nâng tầm hiểu biết của họ, khỏi nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng bởi vì thuốc mới có khả năng điều trị còn thực phẩm chức năng là hỗ trợ điều trị. Bản thân người bệnh cũng cần nâng cao nhận thức về phòng, chữa bệnh. Lời khuyên của tôi đó là có bệnh là phải dùng thuốc để điều trị, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ mà thôi
TRẦN THẮNG