Khi người mẹ quyết định đi du học, đứa con gái út (6 tuổi) khóc như mưa, con gái đầu (8 tuổi) an ủi: “ Em đừng khóc nữa, khóc thì mẹ sẽ không yên tâm học hành được đâu”. Đó là câu chuyện khó quên của hơn 20 năm về trước, khi Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm lên đường qua Bulgaria làm nghiên cứu sinh. Bà bồi hồi: “ có người nào để chồng trong cảnh gà trống nuôi con mà không day dứt. Thế nhưng, sự vui vẻ chấp nhận và xung phong lãnh trách nhiệm “làm mẹ” của ông xã đã giúp tôi yên tâm. Nói một cách khác tôi mang ơn ông ấy”.
Về Việt Nam là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển dược liệu Trung ương 2, bà lại dồn tâm sức lao vào nghiên cứu cây Trinh Nữ Hoàng Cung để làm thuốc chữa u xơ tử cung, u xơ tuyến vú, và u xơ tiền liệt tuyến. Công trình thành công, bà được vinh dự nhận giải Kovalevskaia năm 2006. Đến tuổi hưu, người phụ nữ đầy năng lượng này lại thành lập công ty riêng (TNHH Thiên Dược), xây nhà máy chế biến dược liệu trị giá cả triệu đô la để đẩy mạnh việc sản xuất dược liệu từ cây Trinh Nữ Hoàng Cung. Ngày khánh thành nhà máy, người ta thấy bà sắm “vai chính”, còn ông lui cui đón khách, phục vụ nước nôi. Không ít người thấy lạ, vì một trí thức gốc Hà Nội như nhà giáo Nguyễn Mạnh Hùng lại chấp nhận làm “hậu phương” cho vợ.
Ông Hùng bộc bạch: “ Người ngoài nhìn vô sẽ thấy khó hiểu, sẽ nghĩ ông giáo chắc phải hy sinh nhiều lắm cho sự nghiệp của vợ. Thực ra không phải vậy. Tôi không coi đó là sự hy sinh. Hy sinh là cho đi những gì thuộc về mình, từ bỏ sở thích, đam mê riêng, nhưng ở đây tôi lại thấy vui sướng khi được làm “anh nuôi”. Làm tốt việc hậu phương cũng là cách đóng góp vào thành công trong nghiên cứu khoa học của vợ. Mình đứng phía sau không có nghĩa là mình kém đi. Về mặt tinh thần, người chồng vẫn phải là trụ cột”. Tiến Sĩ Trâm chia sẻ; “ Chồng vẫn là người mà tôi kính phục, bởi phải liền tay liền chân với việc nhà nhưng ông ấy vẫn tranh thủ tự học, lượng kiến thức về hoá học, dược liệu mà ông ấy tự học đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều”.
Những ngày chập chững làm quen với thảo dược Trinh Nữ Hoàng Cung, bạn bè, đồng nghiệp không mấy tin tưởng vào thành công và ngán ngại giùm bà. Thế nhưng, chồng bà vẫn tin tưởng và ra sức động viên. Bà bán đất đai nhà cửa và dành hàng chục ngàn đôla tiền thưởng cho một đề tài nghiên cứu khoa học tại Bulgaria để mua cây giống. Rồi bà lại miệt mài ươm trồng thử nghiệm Trinh Nữ Hoàng Cung. Khi những viên thuốc đầu tiên thành hình, ông cũng xung phong làm “chuột bạch” để thử tác dụng và phản ứng phụ. Nhắc đến chuyện này ông cười tươi rói: “ gần 70 tuổi, tôi vẫn khỏe và nước da hồng hào được như thế này cũng là nhờ Trinh Nữ Hoàng Cung đấy!”
“ Một phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học, sẽ mạnh mẽ và quyết liệt lắm, như vậy trong nhà có hai cá tính mạnh, làm sao dung hoà?” Tiến sĩ Trâm cười: “dù bên ngoài mạnh mẽ, quyết liệt như thế nào, về nhà tôi vẫn là người vợ bé nhỏ và yếu đuối. Những lúc sắp xếp được, tôi vẫn rất say gian bếp và thích thú khi tự tay chuẩn bị cho chồng con những món ăn ngon. Những lúc đi công tác nước ngoài cũng vậy, tôi tranh thủ đan cho con gái từng chiếc áo len, nắn nót từng dòng thư gửi về cho con. Dù say mê khoa học, nhưng không thể đánh mất vai trò thiêng liêng làm vợ, làm mẹ. Bởi vậy, nếu ai hỏi tôi đang hạnh phúc theo cách nào, tôi sẽ trả lời ngay rằng: tôi có hai hạnh phúc, một với khoa học, một với gia đình.”
Bà đúc kết: “hạnh phúc cũng cần chăm bón và giữ gìn; đặc biệt, mình phải làm chủ cảm xúc mới làm chủ được hạnh phúc. Có những lúc tôi ra nước ngoài 8 năm trời, thiên hạ cũng xì xào “ phụ nữ ra nước ngoài lâu năm dễ “lâm nạn” lắm”. Nhưng tôi tin vào khả năng làm chủ của mình. Nếu biết mình giữ được gia đình là giữ được tài sản lớn nhất, thì đâu ai muốn từ bỏ!”. Chồng bà cũng vậy, rất nghiêm túc trong tình cảm nên tạo được niềm tin cho người bạn đời.
Ông bà sinh được hai người con gái, cả hai đều học rất giỏi và thành đạt. Ông cười xoà: “cách dạy con của vợ chồng tôi là …không dạy nhiều. Các con chỉ nhìn vào cách sống, cách học và cách làm việc của bố mẹ là tốt lên thôi. Quan trọng của việc dạy con là bố mẹ cũng phải sống gương mẫu. Ví dụ, muốn con ham học thì chính bố mẹ cũng phải cố gắng thật ham học, học mọi lúc mọi nơi. Từ đó, con cái chỉ cần nhìn và làm theo.”
Dù đã lớn tuổi, mọi người vẫn thấy ông bà say sưa nói chuyện khoa học mỗi khi thảnh thơi ngồi bên nhau. Ông vốn là giảng viên hoá học và môi trường, nên sẵn sàng tranh cãi với vợ về dược phẩm. Có lẽ, đó cũng là phép cân bằng quan trọng, để dù bà là người thành công ngoài xã hội, vẫn chịu đứng sau ông một “cái đầu”, và sự cân bằng đó đã giữ vững nhịp cho hạnh phúc.
TRẦN TRIỀU (thực hiện).