- Nguyệt Phạm-
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học, vì vậy từ nhỏ, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã được cha dạy dỗ truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức, cũng như lòng say mê khoa học. Những bài học vỡ lòng đầu tiên từ mỗi câu chuyện kể của cha, gieo vào lòng bà tình yêu với khoa học, trở thành niềm khát vọng mà suốt cuộc đời bà khát khao vươn tới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm luôn luôn nhớ lời dặn của cha mình (GS.TS. Nguyễn Văn Trương – Tổng biên tập Từ điển Bách Khoa): “Cây thuốc Việt Nam có rất nhiều, con cố gắng nghiên cứu tạo ra thuốc từ dược thảo Việt Nam?”. Hình ảnh người cha – một nhà khoa học luôn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, cống hiến cuộc đời mình cho khoa học luôn là tấm gương sáng để bà noi theo học tập.
Những bước đi đầu tiên trên đường nghiên cứu khoa học của bà là thời gian đèn sách ôn luyện dự thi nghiên cứu sinh, khi ấy bà đã một nách hai đứa con thơ. Khát vọng bước đi trên con đường tri thức đã khiến người phụ nữ này hằng đêm chờ cho con ngủ mới có thời gian ôn luyện. Cần mẫn, chịu khó cộng với sự thông minh bẩm sinh, bà đã đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi nghiên cứu sinh toàn quốc năm 1984.
Sang Bulgaria làm luận án tiến sĩ, bà nghiên cứu ngày đêm, giấc ngủ hầu như bị co lại tới mức tối thiểu. Sinh hoạt hàng ngày cũng được chiu chắt để tiết kiệm tiền mua sách vở nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu tinh dầu cây thảo quả Việt Nam được đánh giá xuất sắc, bà được giữ lại trường (Trường đại học kỹ thuật Sophia, Bulgaria). Những lời nhắn nhủ của người cha với con gái về trọng trách đối với ngành dược nước nhà đã khiến bà quyết định trở về quê hương và bắt đầu hành trình gian khổ: nghiên cứu hóa hợp chất thiên nhiên (cây thuốc) để sản xuất thuốc chữa bệnh.
Công trình đầu tay thành công của bà là nghiên cứu chiết xuất tinh dầu cây húng chanh sản xuất thuốc ho cho trẻ em. Và hành trình tìm kiếm miệt mài các dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên đã đem đến cho bà cơ hội tiếp xúc với những bài thuốc dân gian. Đến năm 1990, bà Trâm tập trung tìm kiếm cây thuốc quý có chứa các hoạt chất sinh học kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự tạo mạch tế bào ung thư từ kho tàng cây thuốc Việt Nam để tạo ra được những sản phẩm thuốc điều trị bệnh ung bướu, một căn bệnh mà các nhà khoa học trên thế giới đang quan tâm.
Công việc này đòi hỏi bà phải đi khắp đất nước để tìm kiếm và nghiên cứu. Tại Huế, TS. Ngọc Trâm đã nhận được những thông tin từ người dân địa phương về một loại thảo dược mà người dân ở đây thường sắc lá để uống theo kinh nghiêm ngự y hoàng cung. Họ gọi đấy là cây tỏi lơi hay có tên khác là “Trinh nữ hoàng cung”. Đó là một cây thuốc lưu truyền trong dân gian mà tài liệu nghiên cứu về nó được ghi trong sách vở còn quá ít. Khó khăn lớn nhất mà bà gặp phải là việc tìm kiếm, sàng lọc chọn đúng cây trinh nữ hoàng cung có hoạt chất sinh học điều trị bệnh ung bướu.
Ở thời điểm bà nghiên cứu, đây là một cây thuốc mọc hoang dại, do đó khi chọn giống phải phân biệt bằng gen (ADN). Trong dân gian tồn tại 7 mẫu cây giống nhau, song chỉ có một mẫu cây mới đúng là trinh nữ hoàng cung có khả năng điều trị khối u, một số loại cây tương tự khác khi sử dụng còn có thể dẫn đến ngộ độc. Đây là một hành trình gian nan: đưa một cây dại về trồng ổn định với diện tích 30ha ở xã Long Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, nay đã trở thành một loại dược liệu sạch được chăm sóc và thu hái theo một quy trình ổn định, đạt hàm lượng hoạt chất ức chế sự phát triển tế bào u.
Bên cạnh đó, bà còn phải tự mò mẫm về kỹ thuật, tiến hành các nghiên cứu chiết xuất hoạt chất, thử nghiệm lâm sàng theo ba bước qui định nghiêm ngặt của Bộ Y tế (Thử trên động vật, trên người khỏe, trên người bệnh với số lượng tăng dần; bào chế và sản xuất ra Crila dưới dạng viên nang như hiện nay. Trong thời gian này, TS. Ngọc Trâm đã công bố bảy công trình trên tạp chí khoa học quốc tế và bốn công trình trên tạp chí trong nước.
Chỉ đến cuối tháng 7/2005, sau gần 15 năm “thai nghén” âm thầm miệt mài tìm tòi nghiên cứu, đứa con tinh thần của TS. Ngọc Trâm đã chính thức được Bộ Y tế cho phép lưu hành toàn quốc và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH & CN) cấp bằng giải pháp hữu ích. “Trinh nữ hoàng cung” đã được bào chế thành dạng viên nang là thuốc Crila dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng ở các bệnh viện: Viện lão khoa Trung ương, bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện YHCT Trung ương, bệnh viện YHCT TP. HCM, bệnh viện Từ Dũ…Hiệu quả điều trị đạt 89,18% đối với u xơ tuyến tiền liệt, 79,5% đối với u xơ tử cung. Đây là một kết quả điều trị khả quan của ngành dược liệu. Trong khi đó, giá thành sản phẩm này chỉ hơn ½ so với sản phẩm ngoại nhập có chức năng cùng loại như tadenan (Pháp). Chưa kể thời gian sử dụng thuốc Crila trong điều trị chỉ từ 2,3 tháng, trong khi sản phẩn Tadenan phải kéo dài cả năm.
Kết quả thực nghiệm lâm sàng trên một số bệnh nhân cho thấy: có những bệnh nhân kích thước khối u là 63mm có chỉ định mổ, sau thời gian điều trị, kích thước khối u giảm xuống còn 25mm. Hay bệnh nhân u xơ tử cung có khối u với 5 đa nhân xơ, uống thuốc một thời gian chỉ còn 1,2 nhân hoặc hết… Để đảm bảo hiệu quả tối ưu của thuốc, nguyên liệu đã được trồng hoàn toàn sạch theo tiêu chí GACP-WHO (không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu). Năm 2007, TS. Ngọc Trâm được giải thưởng Kovalevskaya (Một giải thưởng cao quý giành cho nữ khoa học gia có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội và văn hóa). Năm 2010, sản phẩm Crila vinh dự nhân giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Đây là viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung được bào chế từ dược thảo Việt Nam và là một trong ba viên thuốc điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, có hiệu quả điều trị cao, được người bệnh trong và ngoài nước tin dùng.
Đặc biệt, sau khi đổi mới về công nghệ, tăng thời hạn sử dụng thuốc, loại bỏ tạp chất…Crila Forte, được sản xuất từ dược liệu trinh nữ hoàng cung Việt Nam, đã được xuất sang thị trường Mỹ thông qua công ty Crinum Health thực hiện, đưa sản phẩm thuốc Việt Nam tham gia vào thị trường dược phẩm quốc tế, tạo được sản phẩm thuốc đặc trị mang thương hiệu Việt…Đây là động lực để các nhà khoa học tiếp tục tham gia nghiên cứu tạo sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên của Việt Nam.
TS. Ngọc Trâm cho biết, Crila chưa phải là điểm dừng của bà trên hành trình trinh nữ hoàng cung, Bà vẫn đang tiếp tục khám phá những bí ẩn của trinh nữ hoàng cung bằng việc nghiên cứu và sản xuất viên nang Crilin là sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị u xơ tử cung và buồng trứng, nghiên cứu và sản xuất thuốc xúc miệng salina, nghiên cứu thuốc chữa trị, chữa yếu sinh lý nam giới…
Hành trình cuộc đời người phụ nữ với niềm đam mê cháy bỏng trong tim mình ấy chưa bao giờ thực sự có điểm dừng. Bà vẫn sẽ tiếp tục đi trên con đường mà mình đã chọn, vẫn sẽ gắng bó với trinh nữ hoàng cung, loài cây mà bà coi là kiếp duyên của đời mình. Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu trinh nữ hoàng cung điều trị bệnh ung bướu mà bà sẽ còn nghiên cứu trinh nữ hoàng cung phối hợp với những cây thuốc khác để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân AIDS và ung thư.
Đối với TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu, lao động sáng tạo là lẽ sống của cuộc đời bà. Trong tâm hồn người phụ nữ giàu đam mê ấy không có một phút ngơi nghỉ, bà vẫn muốn cống hiến, vẫn muốn làm được thật nhiều điều có ý nghĩa trong cuộc đời. Cái đích mà bà muốn hướng đến cho cuộc đời mình sẽ là vô hạn không bao giờ có điểm dừng. Sự đóng góp, cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của bà sẽ luôn là tấm gương cho lớp lớp thế hệ trẻ noi theo.