Tôn chỉ nghiên cứu của bà là tìm kiếm, khám phá và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao từ thiên nhiên và thân thiện vời môi trường.
Kết quả công trình nghiên cứu khoa học về cây thuốc trinh nữ hoàng cung đã trở nên nổi tiếng, được ứng dụng vào điều chế và sản xuất thuốc CRILA, một dược phẩm quý điều trị u xơ tử cung, u xơ tuyến vú ở phụ nữ và u xơ tiền liệt tuyến ở đàn ông. Nhưng, chúng tôi lại không hình dung ra tác giả của công trình ngiên cứu khoa học “đình đám” ấy lại bình dị, cởi mở và tinh tế trong đời thường đến vậy. Sau lễ nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2007 trở về, người phụ nữ say khoa học ấy đã rất chân tình cho chúng tôi biết những dự định tiếp theo trên con đường nghiên cứu của bà. Bà là TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm.
“Dám nghĩ dám làm”.
– Mở đầu câu chuyện về khoa học, TS cho biết, thành quả mà bà có được ngày hôm nay là tổng hoà nhiều yều tố. Ngoài sự đam mê, hết lòng và chọn đúng hướng nghiên cứu, bà có những người bạn - cộng sự rất giỏi và được hậu thuẫn bởi một hậu phương vững vàng. Hậu phương - thấp thoáng đằng sau nụ cười hạnh phúc của bà là hình ảnh về một người chồng hiền lành, hiểu biết, trân trọng và chia sẻ niềm đam mê của vợ; là hình ảnh hai đứa con ngoan, hiếu học và tự lập từ nhỏ. Bà bảo, phụ nữ làm khoa học phải cố gắng gấp hai lần cánh nam giới. Ngoài lý do sức khoẻ, trí tuệ thì phải dung hoà được giữ công việc và người phụ nữ của gia đình.
Ngược dòng, khoảng thời gian đèn sách ôn luyện dự thi nghiên cứu sinh, bà đã một nách hai đứa con thơ. Khát vọng bước đi trên con đường tri thức đã khiến người phụ nữ này hằng đêm chờ cho con ngủ mới có thời gian ôn luyện. Cần mẫn, chịu khó cộng với sự thông minh bẩm sinh, bà đã đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi nghiên cứu sinh toàn quốc năm 1984.
Sang Bulgaria làm luận án TS, đề tài nghiên cứu tinh dầu với kết quả xuất sắc, bà được giữ lại trường (Trường ĐH Kỹ thật Sophia, Bulgaria). Nhưng lời nhắn nhủ của người cha (GS-TS Nguyễn Văn Trương - Tổng Biên tập Từ điển Bách khoa) với con gái về trọng trách đối với ngành dược nước nhà, đã khiến bà quyết định trở về quê hương và bắt đầu hành trình khổ ải: nghiên cứu các hóa hợp chất thiên nhiên (cây thuốc) để sản xuất thuốc chữa bệnh.
Công trình đầu tay thành công của bà là nghiên cứu chiết xuất tinh dầu cây húng chanh nhằm sản xuất thuốc ho cho trẻ em. Và hành trình tìm kiếm miệt mài các dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên đã đem đến cho bà cơ hội tiếp xúc những bài thuốc trong dân gian. Một trong những cơ hội quyết định và tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời nghiên cứu là năm 1990, bà gặp được một cây thuốc mang tên trinh nữ hoàng cung và những giai thoại huyễn hoặc về nó. Đó là một cây thuốc lưu truyền trong dân gian mà tài liệu nghiên cứu về nó còn quá mơ hồ. Bà lao vào nghiên cứu cây thuốc có cái tên tuyệt đẹp này với sự say đắm hiếm có.
Tạo ra sản phẩm sạch. - Để có đến đích một cách vẻ vang như ngày hôm nay, TS Trâm phải mất ròng rã 17 năm với bao nỗi đoạn trường, thách thức với cây trinh nữ hoàng cung. Nhưng nhờ lập trường kiên định, xác định mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, đầu tư mang tính chiến lược dài hơi, bà tin rằng: “Nếu như cuộc đời nghiên cứu của tôi mà chưa tạo ra sản phẩm thì ít ra công trình đó cũng đặt được nền móng để thế hệ sau nghiên cứu tiếp”.
Điều đáng mừng là, người phụ nữ dũng cảm tiên phong đặt nền móng trên một lĩnh vực khoa học mới mẻ này lại cho ra đời sản phẩm mà hàng ngàn bệnh nhân mong đợi. Viên thuốc CRILA - chế phẩm có 100% nguốn gốc từ thiên nhiên mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm đến mức tối đa tác dụng phụ, thử nghiệm lâm sàng đạt kết quả thành công 79,5%. Đây là một kết quả điều trị khả quan của ngành dược liệu. Trong khi đó, giá thành sản phẩm này chỉ hơn 1/2 so với sản phẩm ngoại nhập có chức năng cùng loại như Tadenan (Pháp). Chưa kể thời gian sử dụng thuốc CRILA trong điều trị chỉ từ 2-3 tháng, trong khi sản phẩm Tadenan phải kéo dài cả năm. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu của thuốc, nguyên liệu đã được trồng hoàn toàn sạch (không sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu). Quy trình sản xuất này đã đem lại cho CRILA danh hiệu “Sản phẩm chất lượng vì cộng đồng” và vinh dự đạt huy chương vàng tại hội chợ Y dược học phương Đông và quốc tế.
Để tạo được một dây chuyền khép kín chủ động nguồn nguyên liệu từ khâu đầu vào đến khâu thành phẩm, TS Trâm đã vô tình thực hiện một bài toán kinh tế tri thức. Đó là tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho 105 người lao động.
Trong buổi tiếp xúc, chúng tôi đã hỏi sản phẩm này có sợ cạnh tranh không, bà cười nhân hậu và bảo: “Ở Ấn độ cũng có giống cây này nhưng chỉ có thổ nhưỡng nước ta mới kết tụ được những biệt chất riêng để bào chế ra CRILA, vì thể trinh nữ hoàng cung là độc quyền của Việt Nam”.
Hiện nay, bà đang thử sức mình trong lĩnh vực nghiên cứu mới gian nan, đầy thách thức: Tìm ra chế phẩm điều trị ung thư. Tất cả đang hứa hẹn và bệnh nhân có quyền mong đợi ở tương lai. Nhưng với sản phẩm CRILA, bà đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử ngành dược VN nói riêng và thế giới nói chung. Đây là sản phẩm đầy tiềm năng xuất khẩu vì có thể chủ động nguồn nguyên liệu, mở rộng sản xuất và hứa hẹn đóng góp lớn cho nền kinh tế.
(Trinh nữ hoàng cung là cây thuốc độc quyền của VN)
Dược sĩ – TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm sinh năm 1950, quê ở nghệ An.
Năm 24 tuổi, bà đã được giới khoa học biết đến với công trình đầu tay: “Chiết xuất tinh dầu từ cây húng chanh” điều chế thuốc ho cho trẻ em. Bà làm luận án TS ở Bulgaria và trở thành cộng tác viên của Viện hàn Lâm khoa học Bulgaria. Cách đây gần 17 năm, TS bắt tay nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung và liên kết với công ty dược phẩm Trung ương 2 xây dựng vùng nguyên liệu tại Đồng Nai và sản xuầt thuốc CRILA điều trị u xơ tử cung, u xơ vú và u xơ tiền liệt tuyến ở đàn ông, giá thành rẻ. Chế phẩm này đạt kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công trên 79% người bệnh. Theo đánh giá nghiệm thu đề tài của TS Phạm Thanh Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học: “Đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì u xơ là bệnh hay gặp. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra các phác đồ điều trị an toàn từ nguồn dược liệu trong nước…”. Công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ và đưa bà đến giải thưởng Kovalevskaia năm 2007.
N.H