Tác dụng của Trinh nữ hoàng cung đã được khoa học chứng minh - tập 5

27/09/2008
Tác dụng của trà túi lọc TNHC

Trà túi lọc TNHC với liều dùng 10 gói/ngày, sẽ duy trì liên tục trong nhiều năm để tăng sức đề kháng của cơ thể, kích thích tế bào lympho - T hoạt động và phát triển chống lại tế bào ung thư. Với những bệnh nhân đã phẫu thuật, TNHC có tác dụng kéo dài thời gian sống và hạn chế sự di căn.

Đối với bệnh u nang buồng trứng

Trên thực tế, do hiểu được tác dụng của TNHC, một số bệnh nhân u nang buồng trứng đã dùng viên nang Crilin và trà trinh nữ hòang cung và kết quả u nang lành tính đã bị teo dần, có một số bệnh nhân khi siêu âm lại thì khối nang đã mất.

Con đường đến với Trinh nữ hoàng cung

Thuở nhỏ tôi rất thích trồng cây hoa và sưu tầm nhiều loại cây cho vào lon sữa bò, mang vào vườn để trồng. Như một định mệnh, cuộc đời và sự nghiệp của tôi luôn luôn gắn bó với cỏ cây. Năm 1984, tôi trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc và được nhà nước cử đi nghiên cứu sinh ở Bulgaria năm 1985.

Ở Bulgaria tôi đã nghiên cứu về thành phần hoá học của tinh dầu thảo quả Việt Nam, tôi rất mong muốn Việt Nam sẽ có một viên thuốc tham gia vào thị trường dược phẩm thế giới được sản xuất từ dược thảo Việt Nam. Điều đấy chính là động lực thôi thúc tôi trở về Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Bulgaria. Công trình đầu tay thành công là nghiên cứu chiết xuất tinh dầu cây húng chanh nhằm sản xuất thuốc ho cho trẻ em. Hành trình tìm kiếm miệt mài các dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên đã đem đến cho tôi cơ hội tiếp xúc với những bài thuốc trong dân gian. Một trong những cơ hội quyết định và tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời nghiên cứu là năm 1990, tôi gặp được một cây thuốc mang tên trinh nữ hoàng cung và những giai thoại về nó. Đó là một cây thuốc lưu truyền trong dân gian mà tài liệu nghiên cứu còn quá mơ hồ. Tôi lao vào nghiên cứu cây thuốc có cái tên tuyệt đẹp này với sự say đắm hiếm có.

Trong thời gian tôi là cộng tác viên của Viện hàn lâm khoa học Bulgaria, trong phòng thí nghiệm, qua kính hiển vi, tôi và cộng sự đã vui mừng khi nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của tế bào lympho T, chúng hoạt động và phát triển thành từng đám sau khi động vật thí nghiệm được uống dịch chiết từ cây Trinh Nữ Hoàng Cung.

Nhưng dấu ấn đánh dấu thành công đầu tiên khi nghiên cứu về loài cây này là vào năm 1998, khi chúng tôi chứng minh được khả năng kéo dài thời gian sống của chuột bị ung thư , thông qua thí nghiệm gây ung thư  cho chuột Vistar. Thí nghiệm cho chuột Vistar uống dịch chiết từ lá cây Trinh Nữ Hoàng cung, thấy được rằng con chuột bị ung thư không uống dịch chiết sẽ chết trong vòng 24 giờ, còn con chuột uống dịch chiết sẽ kéo dài thời gian sống là 135 ngày. Từ kết quả đó tôi rất vui mừng và tin tưởng công trình nghiên cứu của mình sẽ đi đến thành công.

Kết quả công trình nghiên cứu khoa học về cây thuốc Trinh Nữ Hoàng Cung đã trở nên nổi tiếng, được ứng dụng vào điều chế và sản xuất thuốc CRILA, một dược phẩm điều trị u xơ tử cung và u xơ tiền liệt tuyến. Đến tháng 8/2005, viên thuốc sau gần 15 năm nghiên cứu của tôi đã chính thức được Bộ Y tế cho cấp phép lưu hành. Chế phẩm này đạt kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công trên 89,18% người bệnh. Theo đánh giá nghiệm thu đề tài của Tiến sĩ. Phạm Thanh Kỳ, chủ tịch hội đồng khoa học: “ Đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì u xơ là bệnh hay gặp. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra phác đồ điều trị an toàn từ nguồn dược liệu trong nước…”

Đầu tháng 10/2007, hội đồng khoa học nghiệm thu chính thức của Bộ Y tế  đã nhất trí đề nghị Bộ Y tế  cho phép bổ sung chỉ định điều trị đối với thuốc viên CRILA cho các bệnh nhân u xơ tử cung. Đây là một tin vui cho bệnh nhân u xơ tử cung vì đã có thêm một phương thuốc chữa trị hiệu quả, ít tốn kém và tỉ lệ khỏi bệnh cao (79,5% đối với các khối u xơ tử cung dưới 6 cm). Công trình nghiên cứu này đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ và đưa tôi đến gải thưởng Kovalevkaia năm 2007.

Để có thành công trên, tôi không quản ngại khó khăn đi khắp mọi nẻo đường, miền đất của Tổ quốc để tìm kiếm giống cây, nghiên cứu thổ nhưỡng, phương pháp chăm sóc để có được giống cây chuẩn, chứa đựng những thành phần hoá học có khả năng điều trị u xơ. Không những thế, tôi còn phải nghiên cứu cả công nghệ với những thông số kĩ thuật phù hợp yêu cầu trong sản xuất, để tiến hành sản xuất thuốc CRILA đạt tiêu chuẩn chất lượng từ nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất …đều của Việt Nam.

Trinh nữ hoàng cung khiến cho tôi phải tạm gác lại những nghiên cứu từ cây thảo quả, húng chanh, hoa hồng…. Nhưng nó đã đem lại cho tôi niềm vui khi bệnh nhân khỏi bệnh, được đóng góp cho ngành dược của Việt Nam một loại thuốc quý.

Nuôi trồng và thu hái Trinh nữ hoàng cung

Cây trinh nữ hoàng cung thuộc loài náng trắng, từ lâu đã được các ngự y dùng để chữa bệnh cho cung tần mỹ nữ và quan thái giám. Trong dân gian đã được sử dụng chữa bệnh đường tiết niệu và một số bệnh khác. Để có nguồn giống chính xác và nguyên liệu ổn định cho quá trình nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc sau này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu về thực vật và nuôi trồng, thu hái Trinh nữ hoàng cung.

Nguyên liệu trong nghiên cứu này là TNHC được trồng tại TP.HCM, lấy từ Huế(1991) và từ Nha Trang (1993). Chúng tôi nghiên cứu phân biệt cây TNHC và các loại cây thuộc loài náng trắng có ở Việt Nam, dựa trên đặc điểm hình thái thực vật và giá trị Rf của các chất trong phương pháp sắc ký lớp mỏng từ các dịch chiết của các bộ phận của cây như lá, cuống hoa, củ…

Kết quả nghiên cứu cho phép xác định cây TNHC thuộc loài náng lá rộng, tên khoa học là Crinum Latifolium L, thuộc loài họ thuỷ tiên, tài liệu Trung Quốc gọi là cây thập bát học sĩ, sách Cây cỏ Việt Nam gọi là tỏi lơi lá rộng. Việc phân biệt giữa cây Trinh Nữ Hoàng Cung và các cây náng trắng khác bằng đặc điểm hình thái thực vật khá khó khăn và có thể bị nhầm lẫn nếu như cây chưa ra hoa. Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu khác là chiết xuất lá, củ , hoa, cuống hoa bằng ether dầu hoả, hoà tan cặn vào chloroform, tiến hành chạy sắc ký lớp mỏng với hệ dung môi chroloform- methanol theo một tỷ lệ thích hợp. Chúng tôi rút ra kết luận là: trong cùng một hệ dung môi chạy sắc ký với các dịch chiết bằng ether dầu hoả của các bộ phận cây (lá, hoa, cuống hoa, củ) nhưng cho các vết có giá trị Rf khác nhau giữa cây TNHC và cây huệ biển (nhiều người thường nhầm cây này với TNHC). Tiến hành sắc ký chất chiết từ cây náng trắng khác với cùng hệ dung môi trên cũng thu được những vết có giá trị Rf hoàn toàn khác với các giá trị Rf của các chất chiết từ  cây TNHC. Phương pháp này cho phép chúng tôi chọn giống, phân biệt cây TNHC khi cây chưa ra hoa và kiểm tra nguyên liệu trước khi sản xuất.

Về cách trồng, qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi rút ra kết luận sau:

- Đất trồng phải là loại đất pha cát, phân bón phải là phân bò hoai, không dùng bất cứ loại phân hoá học nào.

- Thời kì ra hoa có nhiều sâu bệnh. Do vậy cần phải theo dõi thường xuyên để diệt sâu kịp thời.

- Cây phải luôn được đảm bảo độ ẩm thích hợp, vì đây là loại cây ưa nước. Một ngày phải tưới ba lần, sáng từ 6-7 giờ, chiều khoảng 5 giờ và tối từ 10-11 giờ.

Khi được chăm sóc tốt, theo đúng quy trình trên, cây được ba năm tuổi (bắt đầu thu hái) có trọng lượng lá trung bình khá tốt, chiều dài lá khoảng 50 cm, đường kính củ giống khoảng 7-7,5 cm.

Về thu hái: cây ba năm tuổi bắt đầu thu hái lá, vào khoảng tháng 4 đến tháng 9. Chọn những lá già, đầu lá có biểu hiện héo vàng. Luôn để lại trên cây bốn lá.

Cây TNHC phát triển vào mùa mưa vì cây ưa nước. Do đó vào mùa khô cây sẽ phát triển chậm, ở giai đoạn này lá bắt đầu phát triển chậm lại và cây bắt đầu đẻ củ con nhiều.