“
Trời thì rộng mà biển thì sâu. Nhìn cuộc đời ta thấy mình nhỏ bé, những
ước mơ đam mê luôn tươi trẻ. Ta muốn với tay để chạm tới trời cao…”.
Trong cuộc đời mỗi người ai chẳng có những ước mơ, những hoài bão làm
được những điều lớn lao, hay tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho mình. Và
trong chúng ta ai chẳng muốn đi đến điểm đích của sự thành công trên
một con đường bằng phẳng không có trở ngại …. Nhưng có một người phụ nữ
lại chọn cho mình con đường đi đầy chông gai, đó là con đường đến với
khoa học, với người phụ nữ ấy, niềm đam mê cháy bỏng mà bà luôn mang
trong trái tim mình đó chính là cống hiến suốt cuộc đời mình cho niềm
đam mê khoa học. Chính với niềm đam mê ấy, bà đã lao động, nghiên cứu,
cống hiến không biết mệt mỏi cho sự phát triển của ngành dược học nói
riêng và ngành khoa học nghiên cứu Việt Nam nói chung. Người phụ nữ mà
tôi muốn nói đến trong bài viết này chính là: Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc
Trâm- người đã nghiên cứu và bào chế thành công viên thuốc Crila từ cây
Trinh Nữ Hoàng Cung để điều trị u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến.
Khởi nguồn niềm đam mê
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhiều người trong
dòng họ đỗ đạt cao, lại là chắt nhiều đời của cụ cố Nguyễn Công Trứ, nên
bà đã đựơc thừa hưởng gen di truyền thông minh cũng như truyền thống
hiếu học của dòng họ, gia đình. Người ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự
nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm chính là người cha đáng kính mà
bà luôn tôn thờ, kính trọng, ông chính là GS.TSKH anh hùng lao động
Nguyễn Văn Trương.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học, vì vậy
từ nhỏ, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã được cha dạy dỗ truyền đạt những
kinh nghiệm, kiến thức, cũng như lòng say mê khoa học. Để rồi những bài
học vỡ lòng đầu tiên từ mỗi câu chuyện kể của cha, tình yêu với khoa
học bắt đầu ngấm vào trong từng mạch máu, từng hơi thở, trở thành niềm
khát vọng mà suốt cuộc đời bà khát khao vươn tới. Đối với Tiến sĩ Trâm,
những lời dạy của cha luôn là kim chỉ nam để trong suốt cuộc đời của
mình, bà không ngừng nỗ lực vươn lên. Những câu chuyện về tấm gương sáng
của các nhà khoa học ảnh hưởng lớn đến bà, đã dần hình thành những ước
mơ, niềm khát khao muốn trở thành một nhà khoa học làm được những điều
kì diệu có ích cho xã hội, cho con người. Những khao khát ước mơ của bà
cũng lớn dần theo năm tháng và trở thành khát vọng để bà theo đuổi trong
cuộc đời mình. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm luôn luôn nhớ lời dặn của
cha: “cây thuốc Việt Nam có rất nhiều, người Việt Nam mình lại thông
minh, mà sao phải đi mua thuốc nước ngoài nhiều, con cố gắng nghiên cứu
tạo ra thuốc từ dược thảo Việt Nam?”. Hình ảnh người cha- một nhà khoa
học luôn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, cống hiến cuộc đời mình cho khoa
học luôn là tấm gương sáng để bà noi theo học tập. Bà rất tự hào về cha
mình, ông đối với Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm không chỉ là người cha
yêu thương con rất mực, mà còn là một nhà khoa học, một người thầy đi
trước dẫn dắt bà đến với ánh sáng của tri thức khoa học nhân loại. Bây
giờ khi nhìn hình ành cha mình, một ông lão đã bước qua tuổi sung sức, ở
cái tuổi ngoài 80, vậy mà ông vẫn muốn làm việc, muốn cống hiến không
biết mệt mỏi cho nền khoa học nước nhà. Ông vẫn giữ chức vụ Tổng biên
tập bộ Từ điển Bách khoa đầu tiên của Việt Nam (công trình của 1200 nhà
hoạt động văn hoá, khoa học thuộc 40 chuyên ngành), đồng thời ông cũng
là người sáng lập Viện Kinh tế Sinh thái. Ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng
người cha đáng kính ấy vẫn đi trên mọi nẻo đường của tổ quốc để thầm
lặng cống hiến cải thiện hệ sinh thái, hồi sinh những mảnh đất cằn cỗi,
giúp cho nền khoa học Việt Nam có những thành tựu đáng tự hào.
Tiến sĩ Trâm còn nhớ hình ảnh người cha ngày đêm miệt mài với những
nghiên cứu khoa học, nhưng cũng không bao giờ quên nghĩa vụ chăm sóc
nuôi nấng con cái. Ông hằng mong con gái lớn lên sẽ trở thành dược sĩ,
một nhà khoa học…chính ông là người định hình trong tâm hồn con gái về
tình yêu khoa học … nên cho đến bây giờ Tiến sĩ Trâm rất yêu khoa học,
khoa học đối với bà như một người bạn thân thiết và dường như tình yêu,
niềm đam mê ấy trở thành kiếp duyên tiền định của cuộc đời cô. Người cha
vĩ đại ấy cũng đã thổi vào tâm hồn cô con gái bé bỏng của mình thuở nào
tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam, và ông cũng là người
ươm mầm trong tâm hồn ngây thơ của bà tình yêu với khoa học. Tấm gương
của người cha vĩ đại không chỉ là bóng râm toả mát cuộc đời của Tiến sĩ
Trâm, mà ông cũng chính là nguồn tự hào, là nguồn sức mạnh để bà có niềm
tin vào chính mình, niềm tin ấy khiến Tiến sĩ Trâm luôn nỗ lực cố gắng
vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trên con đường thực hiện ước mơ, khát
vọng cuộc đời mình.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học với một niềm đam mê cháy
bỏng muốn chiết xuất ra một loại thuốc từ cây cỏ để chữa bệnh cho mọi
người. Cuộc sống luôn trôi theo dòng xoáy hối hả với bao nỗi lo toan hơn
thiệt của người đời, nhưng chưa bao giờ dù chỉ 1 lần trong khó khăn, và
đã có những lúc thấy buồn bởi những lời nhận xét những đánh giá không
đúng bản chất của vấn đề khoa học nhưng chưa bao giờ TS. Trâm thấy mình
sợ
hãi hay e ngại.Trên con đường nghiên cứu khoa học bà vẫn lặng lẽ cống
hiến với mong muốn đem lại cho cuộc sống một điều kì diệu, giúp cho con
người chữa được một số bệnh hiểm nghèo, kéo dài tuổi thọ. Cuộc đời và sự
nghiệp Tiến Sĩ Trâm đã gắn bó với thảo dược Việt Nam như một định mệnh.
Năm 1984 bà trúng tuyển kì thi tuyển chọn nghiên cứu sinh toàn quốc và
được đi nghiên cứu ở Bulgaria vào năm 1985. Đây là sự khởi đầu đánh dấu
một bước ngoặt trong cuộc đời của người phụ nữ nhiều khát vọng đam mê
ấy.
Trong suốt những năm tháng miệt mài nghiên cứu tìm tòi, Tiến Sĩ Trâm
phát hiện ra rằng Viêt Nam không chỉ là một đất nước giàu truyền thống
dân tộc, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cây cỏ tốt tươi mà thiên nhiên Việt
Nam rất ưu đãi với con người. Mỗi bông hoa, mỗi nhành cỏ dại mọc trên
đất nước Việt Nam đều có thể trở thành một vị thuốc dân gian chữa bệnh.
Cây cỏ tưởng chừng chỉ là những cây cỏ vô tri, nhưng nó lại mang trong
mình một sứ mệnh đặc biệt mà không phải ai cũng khám phá được. Sự linh
diệu của hoa cỏ đã thực sự thu hút Tiến Sĩ Trâm, từ niềm đam mê thuở ấu
thơ biến thành nỗi khát khao và muốn vươn tới trong cuộc đời mình. Bà
luôn mong được nghiên cứu, bào chế ra những loại thuốc hữu dụng để chữa
bệnh cho con người từ những thảo mộc ấy. Với Tiến Sĩ Trâm, con đường đến
với nghiên cứu khoa học là một con đường gian truân đầy thử thách,
không phải ai cũng có thể đi đến điểm đích của con đường đầy chông gai
ấy. Bà đến với nghiên cứu khoa học không phải là sự tình cờ mà đó là
định mệnh, định mệnh được sắp đặt sẵn. Đam mê chính là ngọn lửa để thắp
sáng tương lai, nhưng không phải niềm đam mê nào cũng được coi là chân
chính, bởi niềm đam mê chỉ coi là chân chính khi nó mang một giá trị
nhân bản là giúp ích cho xã hội và con người.
Những năm tháng học tập và nghiên cứu ở nước ngoài là những tháng ngày
Tiến Sĩ Trâm không ngừng say mê học hỏi. Đầu tiên, bà nghiên cứu về
thành phần hoá học của tinh dầu thảo quả Việt Nam, với mong muốn Việt
Nam có một viên thuốc tham gia vào thị trường dược phẩm thế giới được
sản xuất ra từ thảo dược việt nam. Và đó chính là động lực để bà trở về
tổ quốc khi bảo vệ xuất sắc luận án Tiến Sĩ ở Bulgaria.
Duyên kì ngộ với cây trinh nữ hoàng cung
Tiến Sĩ Trâm còn nhớ công trình nghiên cứu đầu tay của bà chính là chiết
xuất tinh dầu húng chanh (Coleus Aromaticus Benth. Labiatae) điều chế
ra thuốc ho cho trẻ em. Thành công bước đầu đã thực sự thôi thúc bà tiếp
tục trên con đường tìm hiểu và nghiên cứu sáng tạo trên con đường sự
nghiệp của đời mình. Bà rất say mê với công việc tìm hiểu về sự linh
diệu của các loài thảo mộc trong dân gian, những loài thảo mộc ấy nhiều
lúc là loại dược liệu vô cùng quý giá với con người. Trong quá trình tìm
hiểu ấy, Tiến Sĩ Trâm đã nhận ra đó chính là cơ hội để bà tiếp xúc với
những bài thuốc lưu truyền trong dân gian, những bài thuốc sử dụng các
loại cây cỏ, hoa, lá… làm vị thuốc. Và cuộc đời của Tiến Sĩ Trâm có một
bước ngoặc thay đổi lớn đó là vào năm 1990, bà gặp được một loài thảo
dược có tên gọi rất hay là trinh nữ hoàng cung đây là một loại cây thảo
mộc thuốc loài náng trắng, có tên khoa học là Crinum latifolium L. thuộc
họ thuỷ tiên. Đây chính là duyên tiền định để bà đến với loại cây này. Ở
Việt Nam ta từ lâu trong dân gian đã lưu truyền nhiều loại thuốc có sử
dụng những đặc tính của trinh nữ hoàng cung để chữa bệnh. Tuy nhiên chưa
có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định và chứng minh khả năng chữa
bệnh của loài cây này. Đây là thời gian Tiến sĩ Trâm là cộng tác viên
của Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria. Và lần đầu tiên bà biết được công
dụng của Trinh Nữ Hoàng Cung đó là một lần trong phòng thí nghiệm, qua
kính hiển vi bà đã hết sức vui mừng khi nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ
của các tế bào Lympho T hoạt động và phát triển thành từng đám sau khi
động vật thí nghiệm được uống dung dịch chiết xuất từ cây Trinh Nữ Hoàng
Cung .
Thành quả bước đầu
Niềm đam mê với loài cây có tên gọi kiêu sa Trinh Nữ Hoàng Cung đã trở
thành nỗi ám ảnh trong trái tim của người phụ nữ luôn mang trong mình
những khát vọng lớn lao. Mỗi con đường đều có một cái đích, và để đi
đến cái đích của sự thành công như ngày hôm nay bà phải đánh đổi bằng cả
quãng thời gian gần 20 năm. Gần 20 năm cống hiến cho một công trình
nghiên cứu, điều đó thật không đơn giản, bởi mấy ai biết được những hy
sinh thầm lặng của người phụ nữ ấy. Ẫn đằng sau khuôn mặt phúc hậu, đối
mắt sáng thông minh của bà, có biết bao suy tư sâu lắng, và chưa bao giờ
trong tâm hồn luôn khao khát của bà có một phút yên tĩnh. Với mọi
người, gia đình là bến đỗ bình yên, là nơi ta có thể sống trong vòng tay
yêu thương, ấm áp của những người thân yêu. Nhưng với Tiến Sĩ Trâm-
người phụ nữ đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho khoa học, thì mỗi phút
giây sống trong mái ấm gia đình là những phút giây hạnh phúc mà bà không
thể diễn tả thành lời. Do hoàn cảnh công việc nên phút giây ấy đối với
bà là hiếm hoi. Nói về những thành công của mình bà đã không giấu nổi
niềm tự hào khi kể về người chồng luôn quan tâm, cảm thông, thấu hiểu,
chia sẻ, đồng hành cùng bà trên con đường đến với khoa học. Người chồng
ấy vừa gánh trách nhiệm của người cha, lại vừa gánh trách nhiệm của
người làm mẹ thay bà chăm sóc, nuôi dạy các con nên người, Tiến Sĩ Trâm
còn nhớ những năm tháng, làm việc nghiên cứu ở nước ngoài, xa người
chồng yêu dấu, xa những đứa con thơ là khó khăn lớn nhất bà phải vượt
qua, nhưng vì đã lựa chọn cho mình một con đường đi và một quyết tâm
không gì lay chuyển, “ đã đi thì phải đến đích”, và vì sự nghiệp y học
của nước nhà, cũng như mong muốn làm được điều có ích cho con người, bà
phải gạt nuớc mắt, giấu nỗi niềm của một ngưòi mẹ, người vợ…để hoàn
thành sứ mệnh cuộc đời mình. Tiến sĩ Trâm luôn mang trong trái tim mình
một tình yêu lớn lao đối với khoa học, tình yêu ấy ngấm vào từng mạch
máu, từng hơi thở và rồi trở thành niềm khát vọng mong muốn hiến dâng,
hy sinh cho tình yêu ấy.
Nghiên cứu theo đuổi cây Trinh Nữ Hoàng Cung từ năm 1990, nhưng mãi đến
năm 1998, khi Tiến Sĩ Trâm chứng minh được rằng Trinh Nữ Hoàng Cung có
thể kéo dài thời gian sống của chuột bị ung thư, nghiên cứu của bà mới
gây được sự chú ý. Bà đã thực hiện thí nghiệm gây ung cho loài chuột
Wistar, một lô chuột bà cho uống dịch từ lá Trinh Nữ Hoàng Cung, còn một
lô không được uống. Kết quả thí nghiệm cho thấy lô chuột bị ung thư
không uống dịch chiết bị chết trong vòng 24 giờ, còn lô chuột uống dịch
chiết từ Trinh Nữ Hoàng Cung thì sống đuợc 135 ngày. Kết quả đó thực sự
khiến cho Tiến sĩ Trâm vô cùng vui mừng, bởi bà đã chứng minh được
nghiên cứu của mình thực sự mang lại những kết quả khả quan có ích cho y
học.
Thành công ban đầu nghiên cứu tính năng của Trinh Nữ Hoàng Cung đã được
giới khoa học đánh giá cao và trở nên nổi tiếng. Và bắt đầu được ứng
dụng vào điều chế và sản xuất thuốc Crila, một loại thuốc quý điều trị u
xơ tử cung, và u xơ tiền liệt tuyến. Tháng 7/2005 dựa trên đánh giá hội
đồng Khoa học của Bộ Y tế, Cục quản lý dược đã cho phép viên nang Crila
được lưu hành trên toàn quốc. Và dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng
tại 3 Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Phụ sản Từ Dũ, Y học Cổ truyền
TP.HCM đã chứng minh hiệu quả điều trị của Crila là 79,5%. Đầu tháng
10/2007, hội đồng khoa học nghiệm thu, Bộ Y tế đã cho phép bổ sung chỉ
định điều trị đối với thuốc viên Crila cho các bệnh nhân u xơ tử cung.
Đó không chỉ là niềm vui của Tiến sĩ Trâm sau 15 thai nghén đứa con tinh
thần của mình mà còn là tin vui đối với những bệnh nhân u xơ tử cung,
bởi điều trị bằng thuốc Crila, vừa hiệu quả vừa ít tốn kém mà tỷ lệ khỏi
bệnh lại cao.
Đam mê theo đuổi cây trinh nữ hoàng cung suốt cả cuộc đời cuối cùng Tiến
Sĩ Trâm cũng gặt hái được những thành công. Để có được những thành quả
ấy, bà đã phải đổ biết bao tâm huyết, công sức. Trong cuộc sống ai cũng
muốn chọn cho mình một con đường đi thật dễ dàng, nhưng bà lại chọn cho
mình một con đường đầy chông gai. Nhưng qua những khó khăn nhọc nhằn,
thành quả mà bà đạt được thực sự là một niềm vinh dự lớn không chỉ cho
riêng bản thân bà mà còn góp ích cho sự phát triển của nền dược học Việt
Nam trong việc bào chế ra thuốc chống ung thư và u xơ. Thành công của
nghiên cứu khoa học với Trinh Nữ Hoàng Cung đã được hội đồng khoa học
cấp nhà nước thẩm định ghi nhận là một trong những thành tựu lớn của nền
y học Việt Nam. Bởi đến nay trên toàn thế giới, chỉ có 3 loại thuốc
bằng thảo dược chữa được căn bệnh này. Sau thành công nghiên cứu cây
Trinh Nữ Hoàng Cung đến nay Tiến sĩ Trâm vẫn miệt mài nghiên cứu tác
dụng khác của cây Trinh Nữ . Đồng thời hiện nay bà là chủ nhiệm nghị
định thư giữa Việt Nam và Bulgaria “ nghiên cứu khả năng kích thích hệ
miễn dịch chống ung thư của các Alcaloid và flavonoid được chiết xuất từ
cây Trinh Nữ Hoàng Cung sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc hỗ trợ
điều trị ung thư”- đây là 1 trong 46 nhiệm vụ hợp tác quốc tế về nghiên
cứu khoa học và công nghệ theo nghị định thư bắt đầu từ 2007 của chính
phủ. Trước đó hơn 2 năm, ngày 18/8/2005, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học
Công nghệ) đã công bố quyết định về việc cấp bằng độc quyền giải pháp
hữu ích cho công trình “ thuốc chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến bào chế từ
các Alcaloid được chiết xuất từ lá cây Trinh Nữ Hoàng Cung Việt Nam
(Crinum Latifolium L.) và phương pháp bào chế” của Tiến sĩ Nguyễn Thị
Ngọc Trâm. Và chính công trình ấy đưa bà đến giải thưởng Kovalevskaia
năm 2007. Đây là giải thưởng dành cho cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp
trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, y khoa. Ban đầu quỹ giải thưởng chỉ
có ở Việt Nam, sau đó được phát triển sang Nicaragoa, En Xanvado, Peru,
và Nam phi.
Đi lên từ những khó khăn
Nhưng con đường đi đến thành công của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm không
phải là một thảm hoa hồng, mà là một con đường gian khổ đầy trắc trở và
chông gai. Ai đó đã từng nói cuộc đời là một trường thử thách, thì đây,
trường thử thách ấy là những tháng ngày Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm
miệt mài với những nghiên cứu khoa học. Nhưng đáp lại tất cả sự cố gắng
và cố gắng của bà sau 15 năm nghiên cứu khoa học đầu tiên là những ý
kiến không tin tưởng của các nhà khoa học. Đã có ý kiến cho rằng “ Trinh
Nữ Hoàng Cung mà chữa được u xơ tử cung, hoạ có là thuốc tiên”. Có lẽ
cũng bởi vì họ nghĩ rằng một cây dược thảo hoang dại trong dân gian làm
sao có thể làm nên những kì tích được. Nhưng từ nghiên cứu thành công về
cây thảo dược hoang dại ấy đã đem đến cho những người bệnh phì đại lành
tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung một lối thoát hiểm, là cứu cánh
cho nhiều người. Với một người luôn đặt cái tâm của sự nghiệp lên làm
phương châm sống cho cuộc đời mình thì những lời chỉ trích phản đối
chẳng thể nào làm nản lòng một con người tâm huyết như bà. Ông cha ta
thường có câu “ dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba
chân”. Và lòng kiên định, thuỷ chung với sự nghiệp nghiên cứu cây Trinh
Nữ Hoàng Cung không cho phép Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm có dù chỉ là
một phút dao động, hay đuối lòng. Người phụ nữ nghị lực ấy luôn tin ở
chính mình, tin vào con đường đi đúng đắn của cuộc đời mình. Bởi niềm
tin của bà xuất phát từ chính những gì bà nghiên cứu và từng trải nghiệm
trong cuộc đời mình. Trong trái tim bà, tấm gương của cha luôn là nguồn
động lực lớn lao, là kim chỉ nam để soi đường chỉ lối cho bà tiếp tục
tiến về phía trước. Và chính vì có niềm tin ấy bà đã không ngừng nỗ lực,
lao động, cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học để đi
tới điểm đích của sự thành công. Viên thuốc CRILA đã được thử nghiệm lâm
sàng ở Bulgaria và cho kết quả tốt, nhưng do điều kiện ở Việt Nam khác
với Bulgaria nên khi về nước bà chấp nhận làm lại từ đầu. Không nản lòng
trước những ý kiến phản đối, lang thang đi khắp mọi nẻo vùng quê để
nghiên cứu tìm hiểu và học hỏi những kinh nghiệm trong dân gian. Bằng sự
tâm huyết của mình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã chứng minh cơ sở
khoa học với những thực nghiệm lâm sàng. Cuối cùng những thực tế đã được
chứng minh, bà đã thuyết phục được cá nhà khoa học trong nước và các
bác sĩ về tác dụng của CRILA. Việc chứng minh có một lý thuyết khoa học
thật sự không phải là một điều dễ dàng và riêng quá trình ấy, thử nghiệm
lâm sàng đã mất 5 năm, thời gian ấy chỉ để thuyết phục các nhà khoa học
thấy được giá trị điều trị bệnh của CRILA.
Đam mê và khát vọng
Có lẽ bây giờ mỗi khi ai đó hỏi bà về những gì bà đã đạt được, hẳn bà sẽ
tự hào kể về những năm tháng thăng trầm trong sự nghiệp nghiên cứu khoa
học của mình, bời những gì bà đã làm được thật đáng khâm phục. Từ niềm
đam mê với loại thảo dược mang vẻ đẹp kiêu sa, tinh khiết, Tiến sĩ
Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã tạo một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Giờ
đây bà thật sự tự hào vì đã làm được những điều có ích cho cộng đồng
người Việt, nhưng với những gì bà đã làm được, bà thấy vẫn còn chưa đủ.
Với người phụ nữ giàu niềm đam mê ấy dù chỉ còn một hơi thở bà vẫn sẽ
còn cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, vẫn đi tìm sự linh diệu
từ cây thuốc Việt Nam trên mọi miền của tổ quốc.
Mỗi người trong chúng ta thường tự hỏi, thế giới tự nhiên xung quanh
chúng ta có điều gì là kì diệu? Vâng điều kì diệu luôn đem đến cho chúng
ta sự bất ngờ, nhưng không phải là nhờ phép màu, mà chính nhờ niềm đam
mê và sự lao động miệt mài không ngừng nghỉ của chúng ta mang lại. Lao
động luôn mang một ý nghĩa và một giá trị hết sức sâu sắc đối với chúng
ta. Riêng với Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, niềm đam mê của bà với
nghiên cứu khoa học còn cao hơn cả khát vọng chinh phục đỉnh cao. bằng
niềm đam mê và quá trình lao động đầy sáng tạo, bà đã mang về cho tổ
quốc Việt Nam một thành tựu nghiên cứu khoa học mang tính giá trị thực
tiễn cao, phù hợp với tình hình thực tế bởi u xơ tử cung là một bệnh phổ
biến ở chị em phụ nữ. bên cạnh đó, sản phẩm viên thuốc đảm bảo về tiêu
chuẩn chất lượng, giá thành lại rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập. Niềm
vinh quang cho Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đó là bà đã đưa cây cỏ Việt
nam vào làm nguyên liệu bào chế thuốc, giúp cho người dân những tiết
kiệm về chi phí thuốc thang. Và đó chính là mục đích mà bà muốn làm cho
đất nước và con người Việt Nam.
Dòng thời gian cứ thế trôi đi, nay bà đã bước sang cái tuổi 60. Gần 60
năm cuộc đời với bao thăng trầm nếm trải qua bao buồn vui của cuộc sống.
Có những lúc cuộc đời vô tình hoặc hữu ý khiến cho người phụ nữ giàu
đam mê ấy phải nhỏ những giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của
những năm tháng sống xa gia đình, cô đơn nơi xứ người. nhưng hôm nay
người phụ nữ ấy khóc bởi những giọt nước mắt hạnh phúc, vì mình đã đi
đến điểm đích của con đường sự nghiệp đầy gian khó và thử thách, hạnh
phúc bình dị là thế, nhưng bà đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, những
hy sinh thầm lặng, và phải vượt qua bao khó khăn để đi đến ngày hôm
nay.
Hành trình cuộc đời người phụ nữ với niềm đam mê cháy bỏng trong tim
mình ấy chưa bao giờ thực sự có điểm dừng. Bà vẫn sẽ tiếp tục đi trên
con đường mà mình đã chọn, vẫn sẽ gắn bó với Trinh Nữ Hoàng Cung, loài
cây mà bà coi là kiếp duyên của đời mình. Không chỉ dừng lại ở việc
nghiên cứu Trinh Nữ Hoàng Cung điều trị bệnh ung bướu mà bà sẽ còn
nghiên cứu Trinh Nữ Hoàng Cung phối hợp với những cây thuốc khác để hỗ
trợ điều trị cho bệnh nhân AIDS và ung thư.
Lời kết
Với nhiều người tuổi tác cao đồng nghĩa với sự phai nhạt của niềm đam mê
tuổi trẻ, nhưng với bà thì tuổi tác không khiến cho những niềm đam mê,
những những khát khao tuổi trẻ của bà phai nhạt đi. Theo năm tháng niềm
đam mê ấy càng lớn dần lên. Tình yêu với dược thảo Trinh Nữ Hoàng Cung,
niềm say mê nghiên cứu khoa học vẫn cháy bỏng trong trái tim của người
phụ nữ giàu nghị lực ấy. đối với Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên
cứu, lao động sáng tạo là lẽ sống của cuộc đời bà. Trong tâm hồn người
phụ nữ giàu đam mê ấy không có một phút ngơi nghỉ, bà vẫn muốn cống
hiến, vẫn muốn làm được thật nhiều điều có ý nghĩa trong cuộc đời. cái
đích mà bà muốn hướng đến cho cuộc đời mình sẽ là một cái đích vô hạn
không bao giờ có điểm dừng. sự đóng góp, cống hiến hết mình cho sự
nghiệp nghiên cứu khoa học của bà sẽ luôn là tấm gương cho lớp lớp thế
hệ trẻ noi theo.
CÔNG THÀNH - BÍCH KHUYÊN (thực hiện)