Bên cạnh nạn thuốc giả tràn lan là tình trạng có nhiều mẫu mã, nhãn mác một số loại sản phẩm hiện nay gần giống nhau. Điều đáng nói, theo quy định, mỗi loại thuốc có một tính năng tác dụng riêng, mang một nhãn mác, mẫu mã riêng và được các nhà sản xuất sản phẩm đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa với cơ quan chức năng để lưu hành. Tuy nhiên, trên thực tế, nhãn mác dược phẩm, thực phẩm chức năng như đánh đố người tiêu dùng.
Tràn lan sản phẩm giả, nhái
Cục Quản lý dược vừa gửi thông báo đến sở y tế các tỉnh/thành về việc phát hiện nhiều loại thuốc giả như: thuốc tiêm Voltarén® 75mg dùng điều trị giảm đau, Levitra 20mg chữa chứng rối loạn cương dương, thuốc viên nén Fugacar dùng xổ giun, thuốc chữa viêm khớp mạn tính... Cuối năm 2011, nhiều loại thuốc làm giả như: Zinnat, Dologesis (Nimesulide 100mg) cũng bị phát hiện.
Cơ quan chức năng từng phát hiện thuốc bổ phargington capsules có 9 hoạt chất cũng có tên và mẫu mã bao bì gần giống với thuốc pharmaton capsules có 23 hoạt chất do labo Boenringer Ingelheim của Switzerland sản xuất; thuốc chống đau mang nhãn hiệu D. do Công ty H. sản xuất có tên và mẫu mã hộp thuốc gần giống với thuốc di-antalvic do labo Houdé của Pháp sản xuất...
Theo quy định, nếu nhà sản xuất nào sản xuất ra sản phẩm đầu tiên, đăng ký sở hữu chất lượng, nhãn mác, mẫu mã hàng hóa trước với cơ quan chức năng thì sản phẩm đó được công nhận hợp pháp, mang tính chất độc quyền sở hữu. Nếu những nhà sản xuất khác sau đó sản xuất ra sản phẩm tương tự nhưng cố tình mang nhãn mác, mẫu mã gần giống với sản phẩm của nhà sản xuất trước đó thì có thể nói là đã "nhái" nhãn mác, mẫu mã.
Báo khoa học và Đời sống từng có loạt bài viết về loạn sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung trên thị trường. Đến nay những sản phẩm nhái nhãn mác này vẫn tồn tại. Theo TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng (không phải là thuốc chữa bệnh) được đặt tên gần giống và mẫu mã vỏ hộp cũng tương tự với loại thuốc CRILA mà TS.DS Trâm đã nghiên cứu sản xuất. Đơn cử những sản phẩm nhái giống tên gọi, giống mẫu mã như:CIRCALA, CRITATI, CRITTA, CATIRIN. Điều này có thể gây nhầm lẫn và nguy hại đến sức khỏe bệnh nhân.
Cần sớm chấn chỉnh, xử lý mạnh hơn
TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm nói: “Trong suốt 20 năm qua, tôi và các cộng sự trong và ngoài nước đã nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.), Mãi cho tới năm 2005, viên nang Crila được bào chế từ alcaloid có hoạt tính sinh học ức chế sự phát triển của tế bào u, được chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung mới được Cục Quản lý dược cho phép lưu hành trên toàn quốc theo số đăng ký VD-15304-11 dựa trên đánh giá của Hội đồng Khoa học công nghệ - Bộ Y tế về hiệu quả điều trị bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đạt 89,18% và u xơ tử cung đạt 79,5%”.
Theo TS Trâm, việc lập lờ nhãn mác là xâm phạm quyền bảo hộ, ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ. Đây có thể khẳng định là một hình thức ăn theo nhãn mác. Bên cạnh việc thiệt hại về kinh tế của công ty, người tiêu dùng cũng bị vạ lây. Cụ thể, sản phẩm của Công ty TNHH Thiên Dược là thuốc chữa bệnh, được đầu tư, nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất quy mô. Sản phẩm được bào chế từ cao khô trinh nữ hoàng cung, dùng để điều trị bệnh u xơ tử cung ở nữ giới và bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới. Từ khi ra đời cho đến nay, viên nang Crila đã được người bệnh tin dùng vì hiệu quả điều trị cao và hầu như không có tác dụng phụ, đã tạo được lòng tin của công chúng đối với sản phẩm. Cũng vì vậy, một số cơ sở đã sản xuất thực phẩm chức năng để phòng ngừa bệnh khối u, nhưng người tiêu dùng và người bệnh lại hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc và họ đã mua về để điều trị bệnh. Kết quả không được như ý muốn, bệnh tình không khỏi và thậm chí có thể diễn tiến nặng hơn.
Theo Cục Quản lý dược, trên thị trường chỉ có hai sản phẩm được Bộ Y tế công nhận là thuốc điều trị bệnh sản xuất từ cây trinh nữ hoàng cung trong đó có viên nang Crila do Công ty TNHH Thiên Dược sản xuất viên thuốc Crila với chỉ định điều trị u phì đại tuyến tiền liệt và u xơ tử cung.
Còn các sản phẩm khác cũng có ghi là chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung hoặc cao khô trinh nữ hoàng cung nhưng thực chất chỉ là thực phẩm chức năng. Tất nhiên, không có tác dụng chữa bệnh.
Theo các nhà chuyên môn, việc nhái nhãn mác, mẫu mã thuốc sẽ gây nên sự nguy hại lớn trước hết cho người tiêu dùng. Bởi chất lượng dược phẩm, chất lượng thuốc còn tùy thuộc vào quy trình công nghệ sản xuất của các công ty, xí nghiệp dược phẩm. Ngoài ra, một nguy hại về kinh tế là người tiêu dùng có thể mua loại thuốc được sản xuất trong nước nhưng phải trả tiền theo giá thuốc nhập khẩu hoặc thuốc nước ngoài được ủy quyền sản xuất trong nước khi nhãn mác, mẫu mã trông gần giống nhau. Điều này có thể giúp người bán thuốc hoặc các nhà sản xuất thuốc thu được lợi nhuận bất hợp pháp từ việc nhái mẫu mã, nhãn mác. Có lẽ thiệt hại về kinh tế và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng khi mua thuốc bị nhái mẫu mã, nhãn mác là điều không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, cần đề cập đến tư cách, lương tâm của một số nhà thuốc.
Theo một số bệnh nhân, khi đi mua thuốc Crila để chữa bệnh u xơ tử cung, nhưng nhà thuốc đã đưa cho họ hộp Circala và giải thích rằng đây cũng là sản phẩm của công ty TS. Trâm nghiên cứu và sản xuất. Nhưng khi đối chiếu lại thì những bệnh nhân này mới bức xúc là mình bị lừa. Vì lợi nhuận, được chiết khấu hoa hồng cao, một số nhà thuốc đã bất chấp sức khỏe của bệnh nhân, thay vì bán cho họ sản phẩm thuốc chữa bệnh thì lại bán sản phẩm thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ chức năng. Một số nhà thuốc đã tiếp tay cho việc giả mạo, làm thiệt hại cho sản phẩm chính thống và thiệt hại cho người tiêu dùng
Nhà sản xuất thuốc bị nhà sản xuất khác nhái nhãn mác, mẫu mã của mình sẽ bị thiệt hại rất lớn về kinh tế và vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký. Sự nguy hại của việc nhái nhãn mác, mẫu mã thuốc phòng bệnh, chữa bệnh là vấn đề cần được các nhà quản lý, các cấp có thẩm quyền đặc biệt quan tâm để hạn chế tình trạng này.
LINH ĐAN
Việc nhái nhãn mác, bao bì vẫn diễn ra khá phổ biến nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Để bảo vệ sản phẩm của mình các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nói riêng nên chủ động thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm hàng hóa của mình.
Thực tế hiện nay có rất ít các doanh nghiệp lựa chọn tòa án để giải quyết việc bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, nhưng kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy biện pháp này khá hiệu quả, ít nhất là khắc phục được một phần thiệt hại về kinh tế do hành vi xâm phạm của chủ thể khác gây ra.
Luật sư Phan Vũ Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư Phans |