Người khám phá bí mật TNHC - Bài 1: Một thập niên tìm kiếm

03/10/2005
Ngày 21/7/2005, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chính thức cho phép thuốc Crila - sản phẩm 100% chiết xuất từ lá cây Trinh nữ hoàng cung - lưu hành tại Việt Nam. Đây là tin rất vui cho những bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Đằng sau thành tựu lớn của y học Việt Nam này, là câu chuyện ly kỳ kéo dài ròng rã 15 năm của một người phụ nữ xứ Nghệ - tiến sĩ hóa học Nguyễn Thị Ngọc Trâm, thuộc dòng tộc thi hào Nguyễn Công Trứ.

Hẳn bạn đọc còn nhớ, suốt một thời kỳ dài trong thập niên 90 thế kỷ trước, những thông tin về tính năng chữa bệnh của loại cây thuốc có cái tên quý phái là Trinh nữ hoàng cung đã làm sống dậy hy vọng cho những nam bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt và những phụ nữ bị u xơ tử cung. Ngay sau đó, các nhà khoa học Việt Nam - đang làm việc trong và ngoài nước - đã nhanh chóng vào cuộc, với mục tiêu là tìm cách tiếp cận, chinh phục Trinh nữ hoàng cung để từ đó, điều chế những loại tân dược có khả năng chữa bệnh ung thư.

Nhưng, hơn một thập niên trôi qua mà mọi chuyện vẫn chưa tiến triển bao nhiêu. Người ta chỉ thấy Trinh nữ hoàng cung xuất hiện trong Từ điển cây thuốc Việt Nam của tiến sĩ Võ Văn Chi vào năm 1997. Tuy nhiên ở đó, tiến sĩ Chi cũng chỉ mô tả về một loài cây mang tên Náng lá rộng (còn gọi là Tỏi lơi lá rộng), thuộc họ Thủy tiên, có tên khoa học là Crinum latifolium L., với mô tả: "Cây thảo có hành gần như hình cầu, có cổ ngắn, dày 10-16 cm. Lá nhiều, mỏng, hình dải, dài 60-90 cm, rộng 7-10 cm, mép hơi nhám. Cán hoa dài 30-60 cm, mang một tán gồm 5-6, có thể đến 10-12 hoa, có mo bao quanh hình tam giác, dài 7 cm. Hoa có cuống ngắn; phiến hoa dài 7-10 cm, rộng đến 2,5 cm, màu trắng nhuốm hồng".

Nhưng vấn đề cốt lõi, được dư luận hết sức quan tâm là phần công dụng của "Náng lá rộng" thì tiến sĩ Chi chỉ cho biết: "Ở Ấn Độ, người ta dùng hành của cây xào nóng giã đắp làm thuốc trị bệnh thấp khớp; cũng dùng đắp mụn nhọt và áp-xe để gây mưng mủ. Còn dịch lá dùng làm thuốc nhỏ tai chữa đau tai". Chuyện ở trong nước thì tiến sĩ Chi đưa vào phần ghi chú: "Hiện nay nhiều người trồng cây Trinh nữ hoàng cung lấy lá làm thuốc trị viêm tiền liệt tuyến. Chúng tôi xác định là thuộc loài trên. Cần tiếp tục nghiên cứu".

Đến tháng 9.1999, khi cho xuất bản công trình "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi - "ông vua" của ngành dược liệu nước nhà - có cập nhật những thông tin sâu hơn về Trinh nữ hoàng cung. Nhờ tài liệu này của ông mà nhiều người đã biết được Trinh nữ hoàng cung còn có các tên gọi khác là Hoàng cung trinh nữ, Tây nam văn châu lan, Thập bát học sĩ và Tỏi Thái Lan. Và cái tên "Trinh nữ hoàng cung" chính là do cây này được "dùng để trị bệnh cho những phụ nữ còn trinh tiết được tuyển chọn vào cung vua nhưng không được vua chú ý nên mắc một số bệnh riêng của phụ nữ sống trong cùng hoàn cảnh".

Về thành phần hóa học, giáo sư Lợi cho biết, liên tục trong giai đoạn từ năm 1984 đến năm 1989, một nhà khoa học ở Ấn Độ tên Ghosal đã dày công nghiên cứu và cuối cùng tách được từ Trinh nữ hoàng cung một số dẫn chất ancaloit có tác dụng chống ung thư. Ngoài ra, một số nhà khoa học ở Nhật cũng tìm thấy một số ít ancaloit khác từ Trinh nữ hoàng cung. Còn tại Việt Nam, giáo sư Lợi ghi nhận: "Từ những năm 1989 - 1990, nhân dân ta đồn nhau tìm sử dụng lá cây Trinh nữ hoàng cung để chữa những trường hợp u xơ, ung thư tử cung (đối với phụ nữ) u xơ và ung thư tiền liệt tuyến (đối với nam giới) với cách dùng như sau: Ngày uống nước sắc của 3 lá hái tươi thái nhỏ ngắn 1 - 2 cm, sao khô màu hơi vàng, uống luôn trong 7 ngày, rồi nghỉ 7 ngày, sau đó lại uống tiếp 7 ngày nữa, lại nghỉ 7 ngày và uống tiếp 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống là 63 lá, xen kẽ 2 đợt nghỉ uống, mỗi đợt 7 ngày".

Ngoài ra, giáo sư Lợi còn cho biết: "Một số bệnh nhân uống thêm cùng nước sắc Trinh nữ hoàng cung nước sắc một "đơn thuốc bổ thận", khi hỏi từ đâu có đơn thuốc này, thì câu trả lời không rõ ràng, nhưng vì tôi được đọc một bản chụp một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài gửi về (không thấy ghi tên, ngày tháng), nhiều người chỉ uống nước sắc trong đơn thuốc này không cùng uống nước sắc Trinh nữ hoàng cung mà cũng khỏi cho nên tôi cứ ghi lại ở đây để mọi người cùng theo dõi". Đơn thuốc ấy có tất cả 18 vị, sau khi kiểm tra và lần lượt xác định đúng các vị, giáo sư Lợi đã tiến hành bào chế thành ba dạng thuốc, gồm: trà Trinh nữ hoàng cung; trà thuốc bổ thận; trà phối hợp thuốc bổ thận và Trinh nữ hoàng cung.

Bám sát thông tin về "cây thuốc lạ" này, từ cuối năm 1999 phóng viên Báo Thanh Niên cũng đã từng lặn lội lên huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), gặp Chủ tịch Hội Y học cổ truyền huyện và ghi nhận bài thuốc "mỗi ngày uống 2 - 3 lá, uống một tuần lại nghỉ một tuần" chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến để cung cấp cho bạn đọc. Thời điểm đó, mặc dù trên thị trường đã xuất hiện một số "mặt hàng Trinh nữ hoàng cung" nhưng thực ra, việc dùng loại cây thuốc này để chữa bệnh vẫn còn mang nhiều yếu tố dân gian...
Võ Khối- Bảo Thiên