Lần
thứ hai gặp lại chị sau hơn một năm chúng tôi mừng vì thấy chị vẫn rất
khoẻ mạnh. mừng vì ngành dược nước nhà vẫn còn đấy một nhà khoa học say
mê cần mẫn. Mừng vì chị không dừng lại ở viên nang cứng crila có thể
phòng được u tuyến tiền liệt mà sắp tới sẽ có Crila trong điều trị u xơ
tử cung, xua đi nỗi lo cho hàng trăm ngàn chị em phụ nữ. Đó là Tiến sĩ
Nguyễn Thị Ngọc Trâm – giám đổc trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản
xuất dược phẩm crina thuộc công ty CP Dược Liệu TW 2 - người phụ nữ việt
nam đầu tiên bào chế thành công viên nang Crila từ lá cây Trinh nữ
hoàng cung .
Từ những bí mật khó nói đến Trinh nữ hoành cung
Ngay từ những ngày ngồi trên giảng đường đại học Y dược chị Trâm đã ấp ủ
sau này sẽ nghiên cứu phương thức bào chế thuốc tránh thai từ dược
liệu. Chưa thực hiện được dự định thì năm 1984, chị trúng tuyển trong kỳ
thi tuyển chọn nghiên cứu sinh ngành dược toàn quốc và được gửi sang
Bulgaria học tập khi đứa con thứ hai của chị còn chưa cai sữa. Sau khi
bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ, chị được giữ lại làm trợ giảng cho khoa
Hoá hữu cơ - Trường Đại học kỹ thật Sophia, Bulgaria. Thời gian này chị
phải căng mình ra để vừa làm công tác giảng dạy vừa theo đuổi những ước
mơ nghiên cứu khoa học. Bù lại chị có điều kiện tiếp xúc với các loại
dược liệu quý trên thế giới, nghiên cứu trực tiếp trên hệ thống thiết bị
thí nghiệm hiện đại. Một lần đọc bài báo trong nước có câu chuyện của
một phụ nữ còn khá trẻ kể rằng chị mắc u xơ tử cung, không sinh nở được,
gia đình nhà chồng ép hai người phải bỏ nhau, chị Trâm động lòng trắc
ẩn. Tìm hiểu chị nhận thấy không riêng gì ở Việt Nam, nam giới khi bước
vào độ tuổi 40 và nữ giới ở độ tuổi 35 thường xuất hiện những rối loạn
tuyến nội tiết dẫn đến các bệnh về ung bướu, như u tuyến tiền liệt, u xơ
tử cung. Từ trước đến nay, những trường hợp ung bướu chủ yếu vẫn sử
dụng các phương pháp hoá trị, phẫu thuật để điều trị. Chi phí lại vô
cùng tốn kém. Những người mắc các bệnh này thường mặc cảm, e ngại, không
bộc lộ với người khác. Nghịch lý là ở chỗ: Cuộc sống càng hiện đại thì
tỷ lệ người mắc các bệnh u bướu ngày càng tăng. Như có duyên tiền định,
trong lần đến Huế năm 1990, chị tình cờ nghe được một người bán nước
bên đường kể về phương thuốc gia truyền chữa u xơ tử cung và u xơ tuyến
tiền liệt từ cây Tỏi lơi. Lần mò theo chỉ dẫn của người này chị cũng tìm
được loại cây đó mà thực chất Y học dân gian Việt Nam gọi là Trinh nữ
hoàng cung (TNHC). Với tầm hiểu biết của một người trong nghề, chị Trâm
phát hiện đây chính là loại cây mà lâu nay trong dân gian vẫn lưu
truyền như một bài thuốc điều trị u tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Chị
nảy sinh ý định đưa Trinh nữ hoàng cung xuất ngoại để nghiên cứu theo
“gợi ý” của dân gian. Sau ba năm ươm trồng được 4 cây giống, chị lần mò
cắt tỉa từng lá, rửa sạch, phơi khô, sấy, tán thành bột rồi xin “visa”
cho các “nàng” trinh nữ xuất ngoại cùng với một số củ giống. Với sự giúp
đỡ của các đồng nghiệp ở Viện Hàn lâm khoa học Bulgary, chị đã tìm
thấy kết quả mấu chốt: Đó là thành phần các Alcaloid chiết xuất từ lá
cây TNHC có khả năng ức chế men hình thành Đihydro Testosteron – nguyên
nhân chính gây phì đại tuyến tiền liệt. “Mặc dù mới chỉ là những phát
hiện ban đầu nhưng lúc đó tôi đã bật khóc”, chị Trâm nhớ lại. Với kết
quả đó, chị về nước làm một cuộc “càn quét, thâu tóm”, thị trường cây
TNHC. Sau này đồng nghiệp kể lại rằng: bất cứ chỗ nào cây TNHC mọc được
là có dấu chân của chị.
Tin ở chính mình
Sáng chủ nhật, chúng tôi hẹn gặp chị khá sớm tại nhà riêng trên đường
Nguyễn Tri Phương quận 10 (TPHCM). Những tưởng chỉ có chúng tôi là
những người gõ cửa làm phiền chị trong ngày nghỉ nhưng câu chuyện chị kể
về hành trình “ làm giấy khai sinh” cho Crila liên tục bị ngắt quãng
vì những cuộc điện thoại. Bất kể giờ giấc nào cũng có người bệnh gọi cho
chị, người thì cảm ơn, người thì xin chỉ dẫn để dùng thuốc cho hiệu
quả. Chị đưa cho chúng tôi xem một chồng thư viết tay của người bệnh. Dù
là thư cảm ơn hay xin chỉ dẫn, chị cũng tỉ mỉ, cẩn thận trả lời từng lá
thư một. Chị tâm sự: Gần chục năm trời chị âm thầm nghiên cứu bên nước
bạn, kinh phí đầu tư đều phải bỏ tiền túi, thậm chí phải bán cả nhà. Vậy
mà vẫn chưa thấm vào đâu so với những ngày “xin giấy khai sinh” cho
Crila và chứng minh nó là “con đẻ” của mình. Dù đã được thử nghiệm và
kiểm chứng tại nước ngoài nhưng khi đưa về nước, sản phẩm viên nang
Crila của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã vấp ngay phải hàng rào hoài nghi
của các nhà khoa học. Họ cho rằng từ trước đến nay cây TNHC dù được lưu
truyền là có tác dụng điều trị u tuyến tiền liệt nhưng chỉ ở mức độ
“lợi tiểu” mà thôi. Không nản lòng, chị vẫn cần mẫn bay đi bay về từ Tp.
Hồ Chí Minh ra Hà nội rồi từ Việt Nam sang Bulgaria. Một yếu tố quyết
định nữa là chính trong thời gian này bố chị phát hiện cũng bị u tuyến
tiền liệt. Người cha ấy, GS.TS. Anh hùng lao động Nguyễn Văn Trương hoàn
toàn tin tưởng vào công trình nghiên cứu của con gái mình, ông muốn
góp thêm tiếng nói cho con gái bằng cách sẵn sàng thử thuốc. Nhưng vì
quy chế dựơc, cả hai cha con ông quyết tâm …đợi. Những ngày sau đó, chị
chạy ngược chạy xuôi xin cấp giấy phép cho tiến hành thử nghiệm viên
nang Crila. Nhưng cũng phải mất 5 năm để các nhà khoa học đồng ý cho thử
nghiệm trên bệnh nhân. Từ lý thuyết cơ bản đến những kết quả thực
nghiệm lâm sàng trực tiếp trên 50 bệnh nhân tình nguyện trong 3 năm tại
các bệnh viện như BV Y học cổ truyền TƯ, Viện Lão Khoa Hà Nội, chị đã
thuyết phục được Hội đồng khoa học về khả năng điều trị u tuyến tiền
liệt của viên nang Crila. Những tưởng đã đến lúc chị có thể được nhận
những lời chúc mừng cho thành quả nghiên cứu của mình thì lại xảy ra
tranh chấp bản quyền. Song với ý chí và niềm tin cùng với những đồng
nghiệp mà điển hình là GS.TS. Đỗ Tất Lợi – ông vua của ngành dược Việt
Nam, người đã âm thầm theo dõi quá trình nghiên cứu của chị ở nước
ngoài và trực tiếp giúp đỡ khi chị về nước đã đứng ra chứng minh: TS
Nguyễn Thị Ngọc Trâm chính là tác giả của công trình nhiên cứu bào chế
viên nang Crila từ lá cây TNHC. Và kết quả 15 năm miệt mài nghiên cứu
của chị nay đã được công nhận bằng việc Cục Quản Lý Dược Việt Nam đã
chính thức cấp phép cho Crila lưu hành trong cả nước để điều trị u tuyến
tiền liệt kể từ tháng 7/2005.
Giờ đây, mỗi ngày Trung tâm của chị sản xuất một triệu viên Crila nhưng
vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thị trường. Chị bảo rằng: “Công việc cuốn
tôi đi khiến tôi quên mất rằng mình đã có tuổi”. Chị hồ hởi thông báo
với chúng tôi: Chỉ nay mai thôi, khi đề tài “Đánh giá tác dụng điều trị u
xơ tử cung của viên nang Crila (TNHC)” do chị làm chủ nhiệm nghiệm thu
kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trên các sản phẩm của viên
thuốc Crila sẽ có thêm chỉ định: Điều trị u xơ tử cung. Chắc chắn khi đó
viên nang Crila sẽ có đủ sức vươn ra thị trường quốc tế. Tôi cũng biết
rằng trong người phụ nữ dịu dàng này còn chất chứa biết bao ấp ủ, bao dự
định như chị nói: “Đam mê thì nhiều nhưng chỉ sợ ông trời không cho
mình được tham”.
Băng Tâm