Nâng niu từng ngọn cỏ, lá cây!

01/03/2010
Bán hết đất đai, nhà cửa và dồn toàn bộ số tiền thưởng hàng chục nghìn USD từ đề tài nghiên cứu tại Bungari, tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Ngọc Trâm tập trung đầu tư cho những nghiên cứu thử nghiệm cây trinh nữ hoàng cung. Quyết tâm đi tới đích khoa học, bà đã tìm ra Crila, viên thuốc quý đầu tiên được sản xuất từ thảo dược Việt Nam điều trị hiệu quả u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt. TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã có cuộc trao đổi với Thế Giới Mới, nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2010.

Gắn bó với thảo dược Việt Nam

Y học cổ truyền có ý nghĩa như thế nào đối với bà, thưa TS?

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in những câu nói đầy trăn trở của cha tôi (giáo sư Nguyễn Văn Trương – cha đẻ của 16 làng sinh thái ở miền Trung và miền Bắc): “Nước ta có rất nhiều cây thuốc quý, đội ngũ tri thức Việt Nam cũng thông minh, tài năng, tại sao không tìm cách sản xuất thuốc từ cây cỏ của ta mà phải đi mua thuốc của nước ngoài, tốn nhiều tiền khi tiền của người dân có hạn?”. Điều đó đã hướng cho tôi đến với thiên nhiên, gắn bó với những miền quê Việt Nam, trong hành trình nghiên cứu khoa học, tìm ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh cho con người. Đến giờ này, có thể khẳng định mọi thành quả nghiên cứu khoa học mà tôi đạt được đều gắn bó với thảo dược Việt Nam. Năm 1973, khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học (ĐH) Dược Hà Nội, tôi đã nghiên cứu thành công sản phẩm thuốc sirô ho cho trẻ em được chiết xuất từ tinh dầu cây húng chanh. Thời gian làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Kỹ thuật Sofia, Bungaria, luận án TS của tôi đã đạt kết quả xuất sắc khi chiết xuất và nghiên cứu thành công, xác định được thành phần và cấu trúc của 45 hoạt chất có trong tinh dầu cây thảo quả Việt Nam; điều đó đã mở ra hướng đi đầy triển vọng trong ngành công nghệ sản xuất nước hoa. Tuy nhiên, sau thành công đó, tôi đã chuyển hướng sang nghiên cứu, chiết xuất thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt và điều trị u xơ tử cung từ cây trinh nữ hoàng cung (Việt Nam có tới 59,18% nam giới trên 50 tuổi và 76,92% nam giới từ 75-79 tuổi mắc bệnh u xơ tuyến tiền liệt – một điều tra năm 1990 của bác sĩ Trần Đức Thọ và các cộng sự). Càng nghiên cứu tìm hiểu, tôi càng nhận thức rằng y học cổ truyền có ý nghĩa lớn, thiết thực và là nền tảng trong mỗi công trình khoa học, chúng ta không thể xem nhẹ bởi từng ngọn cỏ, lá cây đều có giá trị riêng, đặc biệt đối với y học.

Hiện đại hóa y học cổ truyền

Bà cho rằng hiện đại hóa y học cổ truyền sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển ngành dược Việt Nam?

Từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết sử dụng các cây cỏ từ nguồn gốc thiên nhiên để chữa bệnh. Ngày nay, khi khoa học phát triển, con người đã biết tổng hợp các chất hóa học hoặc bán tổng hợp các chất trong công nghiệp hóa học để tạo ra các dược phẩm chữa bệnh; chúng ta cũng có khả năng tự tổng hợp các chất, các hoạt chất có hoạt tính sinh học điều trị bệnh từ các cây thuốc có trong tự nhiên, mà chất lượng không hề thua kém các sản phẩm thuốc làm từ hóa học. Thậm chí, dược phẩm sản xuất từ thiên nhiên còn có nhiều ưu điểm như: ít tác dụng phụ, thường không có độc tính và hiệu quả điều trị bệnh cao, nguồn nguyên liệu phong phú. Chúng ta có thể sử dụng các nguyên liệu là động vật như: sừng hươu, mật gấu, gan cá mập; thực vật như: gừng, nấm. dừa cạn, trà xanh, lá trầu không; khoáng vật: các loại muối khoáng. Khi đã xác định rõ thành phần hóa học, hoạt chất sinh học trong các sản phẩm thiên nhiên, chúng ta có cơ sở để quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, phát triển nguồn gen, hoàn thiện quy trình chiết xuất hoạt chất từ thảo dược, đầu tư dây chuyền công nghệ với thiết bị hiện đại để sản xuất đại trà các dược phẩm từ thiên nhiên. Theo tôi, việc hiện đại hóa y học cổ truyền ngoài mục tiêu góp phần đẩy mạnh phát triển ngành dược Việt Nam, còn làm nguốn dược liệu trở nên dồi dào, mở hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho khu vực nông thôn.

Điều đó có tác động đến đời sống kinh tế, xã hội như thế nào, thưa bà?

Từ năm 1990 đến nay đã có vùng trồng dược liệu sạch để xuất khẩu dược liệu khô cây dừa cạn sang Pháp, nguyên liệu dược liệu khô phan tả diệp sang Nhật. Điều đó sẽ là sự tác động mạnh mẽ, hữu ích và thiết thực, bắt đầu từ việc tạo vùng trồng nguyên liệu sạch, tạo môi trường xanh và sạch, góp phần bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sức khỏe cho con người. Khi chủ động được nguồn nguyên liệu làm thuốc, chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu sạch đạt chất lượng cao. Các sản phẩm thuốc Việt Nam mới xuất hiện sẽ góp phần bình ổn giá thuốc đang ngày một leo thang hiện nay như viên nang cứng Diệp hạ châu để điều trị các bệnh siêu vi trùng gan… Điều ý nghĩa hơn cả là việc đưa sản phẩm thuốc đặc trị mang thương hiệu Việt tham gia vào thị trường dược phẩm quốc tế, làm vinh danh đất nước Việt Nam.

Nỗi niềm trăn trở

Từ xuất khẩu dược liệu đến xuất khẩu thuốc mang thương hiệu Việt Nam là cả một chặng đường dài với nhiều khó khăn. Theo bà, đâu là rào cản lớn nhất trên bước đường hội nhập của ngành dược Việt Nam?

Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng sự phát triển của ngành y học cổ truyền luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học, bởi vậy từ việc chọn đất trồng dược liệu đến việc áp dụng quy trình công nghệ để chiết xuất và sản xuất… đều phải dựa trên những nghiên cứu khoa học cụ thể. Nhiều năm trước từng xảy ra việc nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị ung thư là cây dừa cạn (khô) đã xuất khẩu sang các nước bạn nhưng lại bị trả về. Đó là do quy trình sản xuất không đạt chuẩn, làm mất hoạt chất sinh học điều trị ung thư của dược liệu này. Chúng ta cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ: không phải bất kỳ nơi nào cũng trồng được cây nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc, bởi điều kiện khí hậu – thổ nhưỡng chính là yếu tố làm nên hoạt chất sinh học của các loại cây. Trách nhiệm của chúng tôi và những người làm trong ngành khoa học dược là phải nghiên cứu để tìm ra vùng trồng dược liệu tạo nguồn gien quý, hữu ích trong dược học và hướng dẫn người dân quy trình trồng đạt tiêu chuẩn tốt. Ví như cây trinh nữ hoàng cung để sản xuất Crila chỉ có thể trồng ở khu vực từ Huế trở vào, cây rau sam (nguyên liệu để sản xuất thuốc chữa bệnh trĩ) phù hợp trồng ở các tỉnh phía Bắc nước ta.

Ý kiến của bà về việc trên thị trường quảng cáo rầm rộ xuất hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược, có tác dụng điều trị ung thư?

Quảng cáo là một hình thức tiếp thị hữu hiệu, nhờ thế mà thực phẩm chức năng bán chạy trên thị trường và nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu cao. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng, dù tốt đến đâu cũng chỉ có tác dụng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị, chứ không có tác dụng chữa bệnh. Chúng tôi cũng có nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng thương hiệu Việt như: viên nang Crilin, trà Diệp hạ châu, trà Trinh nữ hoàng cung, trà Bụt giấm, trà nấm Vân chi… có công dụng tương tự, nhưng giá cả phù hợp túi tiền của người dân (vì sản xuất trong nước chứ không phải vì chất lượng kém). Giá của thực phẩm chức năng – đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài rất cao, từ 200.000 đến hàng triệu đồng/hộp, trong khi thuốc Việt Nam điều trị u xơ tử cung – u xơ tuyến tiền liệt chỉ có giá 52.000 đồng/lọ 40 viên. Điều nguy hiểm nhất là khi biết trinh nữ hoàng cung là loại cây có khả năng điều trị khối u, nhiều người dân – thậm chí là các cơ sở sản xuất thuốc Đông y – cho rằng trinh nữ hoàng cung nào cũng có khả năng chữa bệnh nên tự ý hái lá thuốc, thu mua lá thuốc ồ ạt, không có kiểm định. Có nhiều loại cây giống hệt cây trinh nữ hoàng cung như cây huệ biển, cây náng trắng, thậm chí phơi khô mùi vị của lá cũng giống hệt trinh nữ hoàng cung, tuy nhiên hai loại cây này có độc tố, nếu uống nhầm sẽ gây tổn hại cho gan và thận.

Bà có lời khuyên gì đối với người bệnh?

Trước tiên người bệnh cần phải được thăm khám ở bệnh viện và các cơ sở y tế có uy tín, để được xác định rõ về tình trạng của bệnh. Việc điều trị thuốc sau đó cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Khi đã có bệnh thì nhất thiết phải điều trị bằng thuốc. Đối với những người bị u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt, nếu muốn điều trị bằng lá cây trinh nữ hoàng cung thì cần mua hoặc hái ở những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn và cần lưu ý: chỉ cây trinh nữ hoàng cung trồng từ Huế trở vào mới có hoạt chất sinh học trị bệnh. Nếu mua lá khô, thì phải là nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có như vậy mới tránh được “tiền mất tật mang”.

Xin cảm ơn và chúc bà một năm mới nhiều sức khỏe, để tiếp tục tìm ra những phương thuốc hữu ích cho đời!

Vài nét về TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm

- Tốt nghiệp Trường ĐH Dược Hà Nội năm 1972
- Năm 1990 bảo vệ thành công xuất xuất luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Kỹ thuật Sofia, Bungaria.
- Từ năm 1985 đến năm 2009, TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã hoàn thành 15 đề tài khoa học nghiên cứu cấp bộ, 3 dự án cấp bộ, 1 đề tài cấp nhà nước và 4 dự án cấp nhà nước, trong lĩnh vực dược.
- Năm 2007 nhận được giải thưởng Kovalevskaia.
- Hiện đã về hưu và đang tiếp tục góp phần vào sự phát triển của ngành dược với vị trí làm việc mới là giám đốc Công ty TNHH Thiên Dược.
- Hoạt động nghiên cứu giai đoạn 2010-2015: hoàn thành sản xuất thuốc điều trị bệnh trĩ (2010-2011); xuất khẩu viên nang Crila sang Mỹ (2011); năm 2012 sản xuất thuốc cường dương từ bạch tật lê, dâm dương hoắc và đinh lăng; thử nghiệm lâm sàng viên nang Crila trên ung thư gan (2010-2012) ung thư phổi (2012-2014), ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tử cung (2014-2015); nghiên cứu tác dụng điều trị của viên nang Crila-T trên bệnh AIDS; mở rộng vùng trồng trinh nữ hoàng cung hàng trăm ha, đủ cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc phục vụ sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu (hiện mới chỉ có 30 ha); thực hiện dự án độc lập cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen cây đinh lăng làm nguyên liệu sản xuất thuốc” năm 2010-2015.

TRƯỜNG HÂN (thực hiện)