Gặp lại người khám phá bí mật Trinh nữ hoàng cung

20/10/2007
Đầu tháng 10 vừa qua, Hội đồng Khoa học công nghệ của Bộ Y tế đã cho phép bổ sung chức năng điều trị u xơ tử cung đối với viên Crila. Hay tin, một chuyên gia hàng đầu về ung thư của Mỹ đã bay sang Việt Nam, bắt tay người phụ nữ đã "khám phá bí mật trinh nữ hoàng cung" và hứa hẹn một sự hợp tác lâu dài.

Viên thuốc 2 trong 1

Cách đây vừa tròn hai năm, sau khi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chính thức cho phép thuốc Crila (sản phẩm chiết xuất toàn phần từ lá cây trinh nữ hoàng cung) lưu hành tại VN, Thanh Niên đã có loạt bài giới thiệu thông tin rất vui này cho những người đàn ông đứng tuổi - đang đối mặt với các triệu chứng mà khoa học gọi là "phì đại lành tính tuyến tiền liệt".

Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ, đó cũng là câu chuyện ly kỳ kéo dài ròng rã 15 năm của nữ dược sĩ - tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, với hàng ngàn thí nghiệm và công trình nghiên cứu từ Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria. Sau đó là những chuỗi ngày lang thang khắp các vùng miền trong cả nước để "khám phá bí mật", đưa trinh nữ hoàng cung từ một bài thuốc cổ truyền thành một loại tân dược chính hiệu có tên thương mại là Crila, với đầy đủ "tư cách pháp lý" theo quy định.

Cũng cần nhắc lại, lúc bấy giờ mặc dù dân gian từ lâu đã chấp nhận trinh nữ hoàng cung như là vị thuốc chữa u tuyến vú, u xơ tử cung... ở phụ nữ và cũng từng có một đề tài nghiên cứu cấp bộ mang tên "Đánh giá hiệu quả, độ an toàn và khả năng chấp nhận thuốc trinh nữ hoàng cung trong điều trị u xơ tử cung" do Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Vy cùng các cộng sự của ông tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiến hành, được Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu, nhưng Crila cũng chỉ mới được phép đưa ra chỉ định trên bao bì: "Điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Giảm các triệu chứng của bệnh phì đại lành tuyến tiền liệt (đi tiểu khó, đi tiểu nhiều lần vào ban đêm)".

Mãi đến đầu tháng 10/2007, Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu chính thức của Bộ Y tế (do Giáo sư - tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ làm chủ tịch) sau khi kết luận đề tài do Phó giáo sư - tiến sĩ Vương Tiến Hòa chủ nhiệm đạt mức xuất sắc, mới nhất trí đề nghị Bộ Y tế cho phép bổ sung chỉ định điều trị đối với thuốc viên Crila cho các bệnh nhân u xơ tử cung.

Một thành tựu lớn

Nhìn lại chặng đường dài của nền y học VN, có lẽ không riêng gì các nhà khoa học tâm huyết mà ngay cả những thầy thuốc bình thường cũng không khỏi trăn trở, khi mà phần lớn thuốc trị bệnh cho người dân đến thời điểm này vẫn phải mua của nước ngoài.

Đặc biệt đối với hai loại bệnh "nhạy cảm" ở cơ quan sinh sản của hai giới như chúng tôi vừa đề cập, nếu chọn cách điều trị "thượng sách" là bằng nội khoa (tức uống thuốc), thì vẫn không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Trong số 5 nhóm thuốc có mặt trên thị trường dùng cho phì đại lành tuyến tiền liệt thì có hai viên được coi là không có tác dụng phụ vì được sản xuất từ thảo dược, nhưng công dụng cũng chưa khả quan. Đối với u xơ tử cung, thuốc dùng cũng có giới hạn nên nhiều trường hợp nữ bệnh nhân đã phải chấp nhận hy sinh chức năng làm mẹ của mình.

Để có giải pháp tốt cho người bệnh, không phải đợi đến bây giờ mà từ hàng chục năm qua, các nhà khoa học trên thế giới đã cố gắng tìm kiếm sản phẩm thuốc đi từ nguyên liệu thiên nhiên, bán tổng hợp, tổng hợp hóa học... Nhưng cho đến nay chưa có được một sản phẩm thực sự có kết quả, làm giảm kích thước của khối u và làm cho bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn trên thị trường trong và ngoài nước. Bởi vậy khi công trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng của các nhà khoa học VN chứng minh viên Crila "đáp ứng điều trị với hơn 79% các phụ nữ có khối u xơ tử cung từ 2 đến dưới 6 cm", trong khi các phản ứng phụ "thường ở mức nhẹ và không phải can thiệp", thì đó không chỉ là tin vui của riêng người VN.

Nhưng trinh nữ hoàng cung không phải là một loại cây độc lập mà có cả "tập đoàn" na ná giống nhau. Tiến sĩ Trâm cũng từng mất nhiều năm tháng đau đầu với bí mật này và phải thuê các chuyên gia ở Viện Di truyền nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) "nghiên cứu đa hình tập đoàn trinh nữ hoàng cung" để phân biệt bằng nhãn quan khoa học.

Và hiện nay, với tư cách là Chủ nhiệm nhiệm vụ "Nghiên cứu khả năng kích thích hệ miễn dịch chống ung thư của các alcaloid và flavonoid được chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư" (là một trong 46 nhiệm vụ hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và công nghệ theo Nghị định thư bắt đầu từ năm 2007 của Chính phủ), bà lại cùng các cộng sự tâm huyết tiếp tục lên đường sang Sophia để khám phá những bí mật còn lại của cây thuốc quý này.

"Chúc mừng và hoan nghênh"

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng phì đại lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới và u xơ tử cung ở phụ nữ đều do rối loạn nội tiết gây ra. Và nếu như phì đại lành tính tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới sau tuổi 40 thì u xơ tử cung cũng có thể "viếng thăm" các quý bà từ độ tuổi 35. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một công trình khoa học cho biết mỗi năm phải tiến hành phẫu thuật cho khoảng 1.000 trường hợp u xơ tử cung, tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng vài ngàn trường hợp khác. Ngay cả ở một đất nước có nền y học hiện đại như Mỹ, hằng năm các bác sĩ vẫn phải ngậm ngùi cắt bỏ đi chừng... 300.000 tử cung của phái đẹp và phải mổ xẻ, bóc tách khối u cho khoảng 2 vạn chị em khác...

Khi hay tin Crila một lần nữa đã vượt qua được những kiểm tra lâm sàng ngặt nghèo để trở thành viên thuốc có khả năng điều trị thứ bệnh "nhạy cảm" cho cả hai giới, ông Dou Labriola - một chuyên gia hàng đầu về liệu pháp chống ung thư của Mỹ, tác giả quyển sách nổi tiếng Complementary Cancer Therapies - đã lập tức có mặt tại VN. Sau cái bắt tay với nữ tiến sĩ của VN, ông khẳng định công trình nghiên cứu và sự cố gắng của bà sẽ giúp cho nhiều người trong tương lai.

Trở lại với sự kiện này ở Bộ Y tế hôm 1/10, với tiến sĩ Trâm có lẽ đó cũng là một ngày trọng đại mà bà đã từng hình dung và mong đợi suốt gần 2 thập kỷ qua, để chứng kiến một hội đồng khoa học tầm cỡ tiến hành thủ tục trao thêm "vương miện" cho "đứa con" của mình.

Thực tế là ngay khi mở đầu lời kết luận, Chủ tịch Phạm Thanh Kỳ đã thay mặt hội đồng "chúc mừng và hoan nghênh" sự cố gắng nỗ lực của bà (với tư cách là tác giả viên nang Crila) cùng Phó giáo sư - tiến sĩ Vương Tiến Hòa (với tư cách là người chủ nhiệm đề tài nghiên cứu lâm sàng cấp bộ) trong việc nghiên cứu, phát triển và đưa ra sản phẩm hữu ích từ nguồn dược liệu trong nước nhằm phục vụ sức khỏe cho cộng đồng.

Nhận xét về đề tài "Đánh giá hiệu quả và khả năng chấp nhận thuốc Crila trong điều trị bệnh u xơ tử cung", Giáo sư - tiến sĩ Phạm Thanh Kỳ (Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu chính thức kết quả nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp bộ) nói: "Đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì u xơ tử cung là bệnh hay gặp. Kết quả nghiên cứu đề tài đã đưa ra phác đồ điều trị an toàn từ nguồn dược liệu trong nước. Phương pháp nghiên cứu của đề tài đảm bảo tính khoa học, khách quan, kết quả đáng tin cậy. Về sản phẩm, viên thuốc đồng nhất, đảm bảo tiêu chuẩn. Về giá thành: đợt điều trị rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập...".