Đừng để người bệnh còng lưng vì ... giá thuốc

14/11/2011
Thời gian gần đây, trước những biến động của thị trường với nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá, không ít doanh nghiệp dược đã “té nước theo mưa”, tăng giá nhiều mặt hàng thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, có nhiều loại thuốc được doanh nghiệp tăng giá từ 30% - 90%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh.

Chỉ riêng trên thị trường phía Bắc, có đến 20 công ty báo cáo điều chỉnh tăng giá 240 mặt hàng, với biên độ điều chỉnh tăng giá 3% - 30%. Các loại thuốc được tăng giá nhiều nhất chủ yếu là kháng sinh, vitamin, khoáng chất, giảm đau và các loại biệt dược đặc trị về tim mạch và ung thư. Một trong những nguyên nhân “đẩy” giá thuốc tăng cao, do tỷ giá USD tăng. Tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp dược phẩm đã cố gắng cải tiến công nghệ, hợp lý hoá sản xuất để giảm giá thành sản sản phẩm trong đó có Công Ty TNHH Thiên Dược. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm.

Trong tình hình vật giá tăng, công ty có những kế hoạch gì để chia sẻ với bệnh nhân?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Để người bệnh không phải chịu nhiều áp lực về giá thuốc leo thang, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên vật liệu, tăng hiệu suất chiết xuất hoạt chất sinh học điều trị bệnh khối u. Mục đích hạn chế tình trạng người bệnh phải dùng thuốc ngoại nhập đắt tiền, điều cần thiết là cần đẩy mạnh việc sản xuất thuốc trong nước trên cơ sở các nghiên cứu khoa học có hệ thống, và được chứng minh qua thực tế. Từ khi nghiên cứu thành công  thuốc CRILA và các sản phẩm CRLIN, trà Trinh nữ hoàng cung, chúng tôi thường hỗ trợ thuốc cho các bệnh nhân nghèo…

Được biết, từ khi sản phẩm của Công ty có mặt trên thị trường đến nay, hầu như vẫn giữ được mức giá bán ra ổn định, trong khi nhiều mặt hàng thuốc khác luôn điều chỉnh tăng giá,  làm thế nào để giữ mức giá này, trong khi nhiều khoản chi phí trong sản xuất có xu hướng ngày càng tăng?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Hiện nay, giá nguyên phụ liệu tăng 30% nhưng giá của các sản phẩm do công ty chúng tôi sản xuất không tăng quá 10% như viên CRILA thuốc điều trị u xơ tử cung và u phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Hai sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang CRILIN và trà túi lọc Trinh nữ hoàng cung hỗ trợ điều trị các bệnh khối u khác như: u nang buồng trứng, u vú.....Sản phẩm thuốc CRILA được sản xuất tại nhà máy của công ty đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt), GLP (thực hành kiểm nghiệm thuốc tốt), GSP (thực hành bảo quản thuốc tốt) tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với số đăng ký: V1167-H12-10. Viên CRILA đã được nghiên cứu trong suốt 20 năm qua với một quy trình khép kín, từ khâu chọn giống, thuần hóa và được trồng trên một vùng trồng ổn định, nghiên cứu về thành phần hóa học, nghiên cứu chiết xuất, độc tính, dược lý, bào chế. Cục Quản lý dược đã cho phép lưu hành toàn quốc từ năm 2005 cho đến nay nhưng chúng tôi vẫn theo dõi kết quả điều trị bệnh của Crila trên thị trường trong nước và quốc tế để không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm. Các nhà khoa học, các cộng sự của tôi luôn nỗ lực nghiên cứu để giảm giá thành sản phẩm như một cách để chia sẻ với bệnh nhân.

Được biết, hiện nay thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng 40% nhu cầu sử dụng của xã hội, còn lại 60% "nhường chỗ" cho thuốc nước ngoài. Ngành dược mới có khả năng sản xuất được thuốc thành phẩm với khoảng 400 hoạt chất, trong đó chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị các bệnh thông thường. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu 90% nguyên liệu cho sản xuất tân dược và 85% nguyên liệu sản xuất đông dược. Theo TS, làm thế nào để tăng tỷ lệ thuốc nội trên thị trường?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Tại hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất) cùng bắt tay vào cuộc. Ý kiến của Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói lên sự quan tâm to lớn của nhà nước đến sự phát triển ngành dược liệu Việt Nam đặc biệt chú trọng phát triển các cây thuốc quý để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc từ dược thảo trong nước, góp phần bình ổn giá thuốc, chủ động nguồn thuốc trong nước, phục vụ sức khỏe nhân dân.

Theo ý kiến của riêng tôi việc kết hợp 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất là cần thiết để đẩy mạnh sự phát triển dược liệu và tạo ra nhiều sản phẩm thuốc mới trong nước. Bởi vì nhà nước có chủ trương và chính sách để đẩy mạnh sự phát triển dược liệu. Vì muốn có những sản phẩm thuốc từ dược thảo ổn định về hoạt tính sinh học và hiệu quả điều trị cao, phải có sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhà nước mới có được những vùng trồng, đất trồng lớn hàng trăm, hàng nghìn hecta và cũng phải có sự hỗ trợ về tài chính lớn của các ngân hàng nhà nước và chỉ khi nhà nước kết hợp với doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà nông mới có thể thúc đẩy sự phát triển dược liệu Việt Nam tạo được nguồn thuốc trong nước.

Nhà nông đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia trực tiếp, chăm sóc nuôi trồng và chính những người nông dân là những người thực hiện chăm sóc, thu hái, nuôi trồng cây thuốc. Họ là lực lượng lao động chính để tạo ra nguồn dược liệu. Hơn nữa phải có các nhà khoa học tham gia vào sự nghiệp nghiên cứu và phát triển dược liệu. Bởi vì các nhà khoa học là người nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm mới cho xã hội và những công trình nghiên cứu của họ sẽ thúc đẩy sự phát triển.

Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu thành công sẽ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện tạo ra sản phẩm mới. Nếu không triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì không tạo được sản phẩm cho xã hội. Do đó, tôi nghĩ rằng việc kết hợp 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất là cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội và ngành dược Việt Nam.

Thuốc chữa bệnh, nhất là thuốc điều trị cho bệnh nan y Việt Nam hầu như phải phụ thuộc hoàn toàn từ nước ngoài, trong khi mình có nguồn dược liệu khá dồi dào, tại sao chúng ta không chủ động được nguồn dược liệu?

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm: Về vấn đề này chúng ta cần nhìn nhận và nên học tập Ấn Độ, đất nước đã tự lực được 70% thuốc sản xuất từ dược thảo điều trị bệnh cho nhân dân và hiện nay Ấn Độ đã có một số lượng thuốc rất lớn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ấn Độ đã nhận ra được vấn đề tự lực thuốc từ hơn 50 năm qua. Hiện nay nước ta có 3.850 loài cây thuốc; 403 loài động vật làm thuốc và gần 50% trong tổng số 11.000 loại hải sâm và sinh vật biển có tác dụng làm thuốc. Với nguồn dược liệu phong phú và đa dạng như vậy, lẽ ra sản xuất thuốc đông dược phải phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó. Nhưng, cả nước mới có gần 300 cơ sở sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và phần lớn hoạt động trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.

Khi chủ động được nguồn nguyên liệu làm thuốc, chúng ta sẽ tạo ra sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu sạch đạt chất lượng cao. Các sản phẩm thuốc Việt Nam mới xuất hiện sẽ góp phần bình ổn giá thuốc đang ngày một leo thang hiện nay. Điều ý nghĩa hơn cả là việc đưa sản phẩm thuốc đặc trị mang thương hiệu Việt tham gia vào thị trường dược phẩm quốc tế có giá thành thấp, chất lượng cao phục vụ người bệnh có thu nhập thấp trong nước và trên toàn thế giới làm vinh danh đất nước Việt Nam.

Xin cảm ơn TS