Chuyện người đàn bà đưa cây cỏ Việt Nam lên bản đồ thế giới

01/03/2009

Người ta gọi bà như vậy bởi cả cuộc đời là những khát vọng gắn với loài hoa có cái tên rất đẹp ấy. Gần 60 tuổi bà vẫn đang miệt mài với ước mơ có thể xây dựng một bệnh viện ung bướu và đưa Trinh Nữ Hoàng Cung ra ngoài thị trường thế giới. Người ta nhắc đến bà bởi hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học gắn với cuộc đời bà suốt 15 năm để có thể đưa được viên thuốc CRILA ra ngoài thị trường. Sau chuyến công tác 4 nước theo nghị định thư của chính phủ về, bà nhận lời tiếp chuyện tôi khi vừa xuống sân bay Nội Bài, gặp được bà trong một khách sạn nhỏ nằm trong một con đường chính của Hà Nội, một căn phòng ấm cúng và giản dị như chính con người bà vậy, chồng bà người bạn đời của bà, người luôn ủng hộ bà trên con đường khoa học cũng đi cùng bà trong chuyến công tác này. Bà mời tôi những thanh sôcôla và tặng tôi một lọ nước hoa được chế từ một loại thảo dược rất thơm bà mang từ Bulgaria về. Giản dị và chân thành bà tiếp chuyện tôi, câu chuyện của tôi và bà bị ngắt quãng nhiều bởi điện thoại của người thân, của bệnh nhân gọi bà sau một chuyến công tác dài. Người phụ nữ ấy là Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm.

Gian nan từ những bước đi đầu tiên

Thuở nhỏ bà được cha mình GS.TSKH Nguyễn Văn Trương kể nhiều về những câu chuyện cây cỏ Việt nam, những tấm gương các nhà khoa học, khi ấy bà thường trồng hoa và sưu tầm nhiều loại cây cho vào lon sữa bò, mang về vườn để trồng. Như một định mệnh của cuộc đời và sự nghiệp của bà gắn với cây cỏ. Bà kể: “ năm 1984 tôi trúng tuyển kì thi chọn nghiên cứu sinh toàn quốc và được cử đi du học tại Bulgaria. Những ngày ở Bulgaria, bà làm nghiên cứu ngày đêm, nỗi nhớ nhà, nhớ con nhiều lúc làm bà rớm nước mắt, vì mình đã có một con đường và một quyết tâm đã đi thì phải đi đến cùng, bà luôn tâm niệm như vậy. Tại đây bà nghiên cứu thành phần hoá học của tinh dầu thảo quả Việt Nam với mong muốn Việt Nam sẽ có viên thuốc tham gia vào thị trường dược phẩm thế giới được sản xuất từ thảo dược Việt Nam. Với niềm đam mê cháy bỏng bà bắt tay vào nghiên cứu, miệt mài tìm kiếm các dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên. Bà tâm sự: “ Bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi là vào năm 1990 tôi đã gặp một loài cây mang tên Trinh Nữ Hoàng Cung và những giai thoại về nó, đó là một cây thuốc lưu truyền trong dân gian mà tài liệu về nó quá mơ hồ. Tôi lao vào nghiên cứu loài cậy có cái tên tuyệt đẹp ấy với sự đắm say hiếm có, nhưng Trinh Nữ Hoàng Cung không phải là một loại cây độc lập mà có cả rất nhiều cây giống nhau, tôi đã mất nhiều năm tháng đau đầu với bí mật này và phải thuê các chuyên gia ở Viện Di truyền Nông nghiệp ( thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nghiên cứu đa hình tập đoàn Trinh Nữ Hoàng Cung để phân biệt bằng nhãn quan khoa học. Viên nang chiết xuất từ lá cây Trinh Nữ Hoàng Cung đã đươc bà thủ nghiệm lâm sàng ở Bulgaria và cho kết quả tốt. Do điều kiện khí hậu ở Việt Nam khác biệt nên bà bắt tay làm lại từ đầu. Để thực hiện quyết tâm của mình, bà bán đất đai nhà cứa và dành trọn hàng chục nghìn đô-la tiền thưởng trong một đề tài nghiên cứu khoa học tại Bulgaria để mua máu người, mua chuột, mua củ giống, thuê trang trại, công nhân để làm vùng nguyên liệu và bà miệt mài ươm trồng thử nghiệm Trinh Nữ Hoàng Cung. Nhiều người cho rằng bà ảo tưởng, không có nhà để ở, khó khăn chồng chất khó khăn khi ở đâu bà cũng nhận gặp sự phản đối của nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành làm bà nhiều lúc rơi nước mắt. Được sự động viên của gia đình, bà tin kế quả chắc chắn sẽ không phụ lòng mình, không quản ngại khó khăn bà đi khắp nẻo đường, miền đất của tổ quốc để tìm giống cây, nghiên cứu thổ nhưỡng, phương pháp chăm sóc để có được giống cây chuẩn chứa đựng những thành phần hoá học có khả năng điều trị u xơ. Những dấu ấn thành công đầu tiên khi nghiên cứu về loại cây này là vào năm 1998, khi chứng minh được khả năng kéo dài thời gian sống của chuột bị ung thư, thông qua thí nghiệm gây ung thư cho chuột Wistar. Chỉ riêng việc thuyết phục các nhà khoa học cho bà đưa thử nghiêm CRILA trên bệnh nhân cũng đã mất 5 năm và kết quả khối u đều có kích thước giảm sau đợt điều trị thử nghiệm bằng CRILA. Thành công bước đầu như tiếp thêm sức mạnh cho bà, bà lao vào nghiên cứu, kết quả công trình khoa học về cây Trinh Nữ Hoàng Cung đã trở nên nổi tiếng, được ứng dụng vào điều chế và sản xuất CRILA, một dược phẩm điều trị u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Tháng 8-2005, Cục Sở hữu Trí tuệ ( Bộ Khoa học Công nghệ) đã công bố quyết định về việc cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho công trình “ Thuốc chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến bào chế từ các Alcaloids được chiết xuất từ lá cây Trinh Nữ Hoàng Cung Việt Nam, viên thuốc sau 15 đã chính thức được Bộ Y tế cho phép lưu hành. Tháng 10/2007, hội đồng khoa học nghiệm thu chính thức Bộ Y tế cho phép bổ sung chỉ định điều trị đối với thuốc viên CRILA cho các bệnh nhân u xơ tử cung. Tháng 12/2007, bà là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2007. Đây là giải thưởng giành cho những cá nhân, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, y khoa.

Cả cuộc đời là những khát vọng

Gần 2 thập kỷ với hàng ngàn thí nghiệm và công trình nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria. Sau đó là những chuỗi ngày lang thang khắp các vùng miền trên đất nước để “ khám phá bí mật” của Trinh Nữ Hoàng Cung từ một bài thuốc cổ truyền thành một loại tân dược chính hiệu mang tên CRILA. Người phụ nữ làm khoa học này vẫn đang miệt mài theo đuổi các công trình nghiên cứu điều chế thuốc từ nguồn dược liệu trong nước. Bà vẫn tiếp tục gắn cuộc đời mình với Trinh Nữ Hoàng Cung, bà đang nghiên cứu thêm để CRILA hỗ trợ điều trị ung thư và phối hợp Trinh Nữ Hoàng Cung với một vài loại cây thuốc Nam khác, hỗ trợ trong việc điều trị bệnh nhân AIDS. Bà tâm sự: “ Trinh Nữ Hoàng Cung khiến tôi phải tạm gác lại những nghiên cứu về cây thảo quả, húng chanh, hoa hồng… nhưng nó đã đem lại cho tôi niềm vui khi bệnh nhân khỏi bệnh, được đóng góp cho ngành dược Việt Nam một loại cây thuốc quý”. Bà chia sẻ, hiện nay phần lớn thuốc trị bệnh cho người dân vẫn phải mua của nước ngoài, giá thành cao, CRILA đã vượt qua được những thử nghiệm lâm sàng ngặt nghèo để trở thành viên thuốc có khả năng điều trị căn bệnh “ nhạy cảm” cho cả hai giới. Một chuyên gia hàng đầu về liệu pháp chống ung thư của Mỹ đã khẳng định công trình nghiên cứu và sự cố gắng của bà sẽ giúp cho nhiều người ở tương lai.. Sau khi sản phẩm thành công, có nước trên thế giới đã đặt mua bản quyền với giá 1 triệu đô, thậm chí hơn nhưng bà không đồng ý, bởi với bà niềm vui lớn nhất là đưa cây cỏ Việt Nam vào chế biến thuốc. Bà nói: “ Tôi không muốn người Việt Nam phải mua thuốc với giá cao và đó cũng là điều mong mỏi của cha tôi lúc ông còn sống”. Nhà máy sản xuất thuốc CRILA sẽ mang lại lợi nhuận cho người nông dân trồng thuốc, tạo công ăn việc làm cho người lao động, không phải xuất ngoại tệ để mua thuốc mà còn thu được nguồn ngoại tệ mang về. Bà trăn trở rất nhiều hợp đồng lớn đã được phía đối tác gửi đến từ Lào, Campuchia, Canada, Mỹ nhưng khó khăn lớn nhất với bà là nguồn nguyên liệu. Chiến lược bây giờ là phải có 1000 hecta để xây dựng vùng nguyên liệu để có thể đưa sản phẩm ra nước ngoài. Bà đã viết thư cho 4 ông chủ tịch và chỉ có một ông chủ tịch tỉnh trả lời. Nhưng khi ông chỉ đạo thì một vị giám đốc tỉnh lại không nghe. Việc chuyển đất nông nghiệp sang trồng cây nguyên liệu sẽ mang lại cho người dân cơ hội được nâng cao mức sống ngay trên chính mảnh đất của mình. Thực tế có rất nhiều công trình khoa học đã bị dừng lại do thiếu cơ chế, thiếu sự đãi ngộ, bà mong mỏi các nhà làm chính sách sẽ có chế độ hỗ trợ, ưu đãi cho các công trình của nhà khoa học để chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào đời sống sản xuất. Sắp tới tôi sẽ đưa viên nang CRILA ra thị trường thế giới”- bà nói với ánh mắt cháy lên đầy khát vọng của một con người cả cuộc đời say mê nghiên cứu khoa học.

HỒNG CHI - THU DUNG (thực hiện)