Ghi chép của THÁI HƯ
Từ xưa, các thầy thuốc đông y đã nhận thấy, cùng là một vị thuốc, nhưng được nuôi trồng ở những nơi có khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, dẫn đến tác dụng trị liệu và chất lượng của sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, muốn có thuốc tốt, đảm bảo chất lượng, đạt hàm lượng hoạt chất sinh học cần biết rõ nơi trồng dược liệu đó. Trong các đơn thuốc đông y, ta thường thấy tên vị thuốc kèm theo địa danh, ví dụ "Chiết bối mẫu" là vị thuốc Bối mẫu được trồng ở Chiết Giang, "Xuyên ngưu tất" là Ngưu tất được trồng ở Tứ Xuyên, "Vân linh" là Phục linh ở Vân Nam, ... Những vị thuốc có kèm theo địa danh như vậy thường là những vị thuốc tốt vì có thêm "chỉ dẫn địa lý".
Cùng với thời gian, những vị thuốc có tác dụng trị liệu vượt trội, chất lượng ưu việt, sản xuất tại một vùng đất nào đó, được đông y cổ truyền gọi là “Đạo địa dược tài” (道地药材) (Dược tài = dược liệu, nguyên liệu dùng để làm thuốc, đạo = trong trường hợp này nghĩa là đúng, chính đáng; địa = đất; như vậy đạo địa = đúng đất, chất đất phù hợp).
Thuật ngữ này được chuyển ngữ sang tiếng Anh là: "Daodiherbs" hoặc "Genuine medicinal materials". Trong tiếng Việt hiện nay, chúng tôi chưa tìm thấy thuật ngữ tương ứng, nên xin tạm gọi là "Dược liệu đặc sản" hay "Vị thuốc đặc sản". Vì nó có hàm nghĩa tương tự như "giống cây đặc sản", ví dụ như "bưởi Diễn", “bưởi Đoan Hùng”, “cam Bố Hạ”, ....
Các nghiên cứu hiện đại về hóa dược cho thấy: Thổ nhưỡng, chất nước, lượng mưa, độ chiếu sáng, thảm thực vật ... có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình sinh trưởng, ra hoa, kết quả của thực vật sử dụng làm thuốc. Đặc biệt, thành phần thổ nhưỡng có ảnh hưởng rõ rệt tới thành phần và hàm lượng của các hoạt chất. Ví dụ, kết quả phân tích cho thấy, cùng là cây Nhân sâm, nhưng Sâm ở Triều Tiên, ở Trung Quốc, ở Nhật Bản, có thành phần và hàm lượng các saponin không giống nhau; đặc biệt Sâm Ngọc Linh Việt Nam lại có những loại saponin mà cả 3 loại Sâm kể trên đều không có. Hay như khi phân tích hàm lượng saponin trong lá Nhân sâm, sản sinh ở 7 địa phương khác nhau trong cùng tỉnh Cát Lâm Trung Quốc, cũng thấy có sự khác biệt rất lớn. Các ví dụ tương tự như vây rất nhiều, chứng tỏ nhận định của người xưa về dược liệu đặc sản là có cơ sở.
Để trở thành vị thuốc đặc sản, cần có 2 điều kiện tiên quyết: Thứ nhất là giống tốt, thứ hai là được trồng tại vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, nói gọn là điều kiện địa lý thích hợp. Chính như nhà dược học nổi tiếng Lý Thời Trân đã viết trong bộ sách "Bản thảo cương mục": "Tính tòng địa biến, chất dữ vật thiên" (性从地变,质与物迁) nghĩa là "tính chất của vị thuốc biến đổi theo vùng đất, phẩm chất vị thuốc thì biến thiên theo giống cây. Ngoài ra, kỹ thuật canh tác cũng có một vai trò vô cùng quan trọng.
Việt Nam ta vốn có nhiều dược liệu đặc sản, Ý dĩ, Sa nhân, Đậu khấu, Sử quân tử, Cát căn ... thời xưa của Giao Chỉ từng được tôn vinh là dược liệu đặc sản. Trong những thế kỷ sau, nước ta có Ba kích tím Quảng Ninh, Sâm Bố Chính Quảng Nam, Sâm Ngọc Linh, Ngũ vị tử Ngọc Linh, Đảng sâm Ngọc Linh ...
Do sinh thái bị phá hoại nặng, môi trường bị ô nhiễm, cùng việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, ... nhiều loại thảo dược đặc sản đã bị thoái hóa. Do đó, ngoài 2 yếu tố tiên quyết như đã nói ở trên, là giống cây tốt và điều kiện địa lý thích hợp, hiện tại nhất thiết cần có thêm điều kiện thứ 3, đó là quy trình canh tác và thu hoạch tốt. Giới chuyên môn gọi là "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc", tuân thủ đầy đủ những yêu cầu của Tiêu chuẩn GACP - WHO.
Trong điều kiện hiện nay, có được một vị thuốc đặc sản mới, khó khăn hơn thời xưa rất nhiều. Hãy cùng xem xét một trường hợp cụ thể. Đó là "Trinh nữ Crila", một "thứ mới", thuộc loài Crinum latifolium L., Chi Náng - Crinum L., Họ Thuỷ tiên - Amaryllidaceae.
Trên thế giới, Chi Náng - Crinum L. có khoảng 100 loài, phân bố tại các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới ở cả hai bán cầu. Tại nước ta, có 4 loài thường gặp, được mô tả trong "Từ điển cây thuốc Việt Nam" (bộ mới) của tiến sĩ Võ Văn Chi), đó là: Náng, Náng hoa đỏ, Náng Trung Quốc và Náng lá rộng. Trong đó, cây Náng lá rộng, có tên khoa học là Crinum latifolium L, là loài cây dân gian vẫn gọi là "Trinh nữ hoàng cung" (TNHC).
Khu vực lưu giữ các giống Trinh nữ hoàng cung của Công ty TNHH Thiên Dược
Ảnh: Đỗ Tất Hùng
Từ những năm 80 thế kỷ trước, tại nhiều tỉnh miền nam, người ta bắt đầu đồn nhau đi tìm lá TNHC, để chữa u xơ, ung thư tử cung và ung thư vú ở nữ giới, u xơ và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Cây có tên TNHC là do được sử dụng làm thuốc đặc trị một loại bệnh, mà các trinh nữ trong hoàng cung thường mắc phải, do không được nhà vua để mắt. Những thập niên 80-90 thế kỷ trước, TNHC chủ yếu được trồng làm cảnh và dùng làm thuốc ở các tỉnh miền trung và miền nam. Từ khi những thông tin về tác dụng chữa bệnh u bướu của TNHC được phổ biến rộng rãi, cây này mới bắt đầu được đem trồng ở các tỉnh phía bắc.
Thời gian đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đang tập trung tìm kiếm những cây thuốc bản địa, có chứa các hoạt chất tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư, để chế ra thuốc điều trị các loại bệnh ung bướu. Dó đó, chị đã đặc biệt chú ý đến những thông tin về cây thuốc TNHC. Hành trình khai phá loại thuốc mới của tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm bắt đầu bằng việc đi sưu tầm các mẫu cây TNHC, mọc hoang và được trồng tại các địa phương ở cả nước, đem về trồng thử để nghiên cứu.
Trong quá trình thu thập các mẫu cây, tiến sĩ Trâm nhận thấy, những cây thuốc trong dân gian gọi tên là TNHC không phải là một quần thể thuần nhất. Giữa các mẫu thực vật, có một số biến dị nhất định về mặt hình thái, tuy nhỏ nhưng khá ổn định. Khi đó, tiến sĩ Trâm đã tạm thời phân chia những mẫu cây đã nhận diện được thành 7 loại khác nhau.
Trong số 7 loại đó, tiến sĩ Trâm nhận thấy: Loại TNHC mà người dân ở Huế sử dụng theo kinh nghiệm của các ngự y trong hoàng cung, có những nét khác biệt rõ ràng, so với các mẫu cây TNHC còn lại. Linh cảm của một nhà khoa học cho chị thấy, loài TNHC này có thể sẽ là một loai dược liệu bản địa đặc biệt, để chế ra những loại thuốc hữu hiệu chữa bệnh u bướu.
Thời kỳ đầu, những mẫu cây TNHC được đem trồng tại một số khu vườn trong TP.HCM. Từ khi được cấp đất, những cây mẫu đó đã được đem nhân giống và trồng ổn định tại vùng trồng ở xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Chúng tôi tới Long Thành một ngày giữa tháng 10. Trời nắng đẹp, mặc dù đang trong mùa mưa. Vùng trồng TNHC Long Thành là một khu khép kín, rộng khoảng 20ha, có tường bao quanh, có đội ngũ bảo vệ gìn giữ an ninh giống như một cơ quan, xí nghiệp. Công nhân ở đây được trả lương khá cao, đóng đủ bảo hiểm, có đủ các trang bị bảo hộ lao động, ... Họ làm việc tự giác và gắn bó với nơi làm việc.
TNHC tại vùng trồng dược liệu Long Thành được nhân giống vô tính (để tránh sự lai tạp trong quá trình thụ phấn giữa các cá thể cùng loài Crinum latifolium L). Cây trồng được chăm bón thủ công, theo phương pháp canh tác truyền thống, nước tưới được lấy từ một giếng khoan riêng, phân bón là loại phân hữu cơ tự chế biến theo công thức riêng, hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ, cũng như không dùng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ ... Nói cách khác, là "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới" "GACP - WHO".
Phần lớn diện tích đất tại vùng trồng Long Thành, được sử dụng để trồng loại TNHC xuất xứ từ Huế và Bà Rịa Vũng Tàu. Những rẻo đất ven đường đi trong vùng trồng được tận dụng trồng chuối, đinh lăng, một số cây thuốc khác và cây làm cảnh. Trong vùng trồng còn có một vài cây cổ thụ, cao sừng sững, tỏa bóng mát rượi, nơi dừng chân, nghỉ ngơi lý tưởng.
Tại vùng trồng còn có một khu vực dành riêng cho công việc chế biến và bảo quản dược liệu. TNHC được thu hoạch định kỳ theo đúng thời vụ, lá được cắt vào thời điểm có hàm lượng hoạt chất cao nhất. Lá cắt về được rửa bằng tay, từng chiếc một, với nguồn nước sạch, rồi đem phơi khô trên hệ thống giàn phơi, có mái di động để che mưa nắng. Cuối cùng, dược liệu được đóng bằng máy, ép chặt vào các bao chuyên dụng, rồi chuyển vào kho. Kho dược liệu có hệ thống điều khiển nhiệt độ và độ ẩm, để duy nhiệt độ và độ ẩm thích hợp trong từng mùa, nhờ vậy mà dược liệu có thể bảo quản tốt, không sợ biến chất.
Đặc biệt, tại vùng trồng Long Thành, có một khu đất dành riêng cho việc sưu tầm các mẫu TNHC thuộc các chủng loại, thu thập từ các nơi khác nhau, để tiến hành so sánh, nghiên cứu. Ngoài nhiệm vụ cung cấp dược liệu sạch, để chế thuốc chữa bệnh, vùng trồng Long Thành còn là nơi bảo tồn gen, lưu giữ các tiêu bản TNHC và vài cây thuốc khác, phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Cùng với các nghiên cứu về mặt hình thái thực vật, tiến sĩ Trâm đã song song tiến hành các nghiên cứu về di truyền học (ADN), thành phần hóa học và tác dụng sinh học của các loại TNHC trồng ở vùng trồng.
Những cố gắng trong nhiều năm liên tục, đã mang lại thành quả đáng mừng: Thực tế cho thấy, giống TNHC xuất xứ Huế và Bà Rịa Vũng Tàu, đã thích ứng rất tốt với chất đất và phương pháp canh tác tại trại Long Thành bởi vì tỉnh Đồng Nai nằm kề sát với Bà Rịa Vũng Tàu là nơi sinh trưởng của cây. Sản lượng ổn định và có hàm lượng hoạt chất cao. Nói theo ngôn ngữ của đông y truyền thống: Trinh nữ hoàng cung Long Thành, đã trở thành vị thuốc đặc sản. Không những thế, còn có một phát hiện bất ngờ về mặt sinh học: Giống Trinh nữ hoàng cung xuất xứ Huế và Bà Rịa Vũng Tàu, sau nhiều năm trồng ở Long Thành, đã trở thành một giống đặc biệt: Không chỉ có một số khác biệt về phương diện hình thái, so với các loại TNHC Crinum latifolium L. khác, mà còn có thêm một số đặc tính ưu việt hơn, như khả năng chống sâu bệnh cao, hàm lượng hoạt chất chữa bệnh cao. Từ thực tế đó, tiến sĩ Trâm nhận thấy: Cần có sự phân loại chi tiết hơn đối các giống cây TNHC cùng thuộc loài Crinum latifolium L.
Theo hệ thống phân loại thực vật hiện nay, TNHC là một "Loài", thuộc Chi Náng - Crinum L., thuộc Họ Thủy tiên. Để đặt loại TNHC Long Thành vào thật đúng vị trí trong hệ thống phân loại, cần sử dụng thêm những đơn vị (cấp bậc) phân loại nhỏ hơn, tức là dưới loài. Để tiện theo dõi xin nhắc lại: Loài - (Species) là bậc phân loại cơ bản trong thực vật học. Loài là một tập hợp các cá thể có những đặc điểm sinh học tương đối giống nhau và những cá thể trong cùng một loài có thể giao phối với nhau để sản sinh ra thế hệ sau. Khi cần phân loại chi tiết và chính xác hơn, cần sử dụng các bậc thấp hơn loài. Cụ thể: Dưới loài là "phân loài" - (Subspecies), còn gọi là "phụ loài", "á chủng"; Dưới "phân loài" là "thứ" - (Varietas), còn gọi là "biến chủng"; Dưới "thứ" là "Dạng" - (Forma), còn gọi là "biến hình".
Phòng kiểm nghiệm của Công ty TNHH Thiên Dược
Trong hệ thống phân loại thực vật chi tiết trên, giống TNHC Long Thành tương ứng với một "thứ". Đây là một "thứ mới" và các nhà khoa học đã đặt tên cho nó là Crinum latifolium L. var.crilae Tram & Khanh; Gọi tắt là “Trinh nữ crila”.
Ngày 16 – 8 – 2015, “Trinh nữ crila” đã được Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới, thuộc Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận là một giống cây trồng mới, cấp bằng BHGCT - số 26 VN 2015. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã trở thành chủ sở hữu và cũng là tác giả của giống cây mới này. Theo Cục trồng trọt, tính đến thời điểm hiện tại, Trinh nữ Crila là giống cây dược liệu duy nhất được cấp bằng bảo hộ.
Đối với nhiều người ở nước ta, bảo hộ giống cây trồng vẫn còn là một lĩnh vực xa lạ. Thực ra, bảo hộ giống cây trồng từ lâu đã trở thành thông lệ, một công việc thường quy, ở phần lớn các nước trên thế giới. Chứng nhận bảo hộ giống cây trồng, có giá trị pháp lý tương tự như chứng nhận bản quyền tác giả cho một tác phẩm, một phát minh .... Theo luật sở hữu trí tuệ, khi muốn trích dẫn hoặc sử dụng một nội dung nào đó trong tác phẩm, cần có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, phải trả nhuận bút ... Tương tự, khi muốn nhân giống, sử dụng làm nguyên liệu chế thuốc hoặc thực phẩm chức năng, hay sử dụng các kết quả nghiên cứu liên quan đến giống cây trồng mới với mục đích tiếp thị ... , cũng bắt buộc phải có sự đồng ý của chủ sở hữu.
Thay cho lời kết: Việt Nam có tài nguyên sinh học phong phú, hàng ngàn loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc. Nhưng do quy hoạch bảo tồn chưa hợp lý, khai thác bừa bãi, xuất lậu tràn lan, nên nguồn dược liệu thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Hàng năm nước ta phải nhập siêu tới 80% dược liệu sử dụng trong nước, mà các dược liệu đó cũng chưa phải là sạch cho sản xuất thuốc. Do đó, chủ động tạo ra những nguồn dược liệu sạch, đảm bảo cho sản xuất trong nước, đang là một vấn đề cấp thiết và đang dần dần trở thành một trào lưu. Trong trào lưu đó, đã bắt đầu xuất hiện một số điểm sáng. Công Ty Thiên dược - Đơn vị sản xuất Dược liệu sạch Trinh nữ Crila đặc sản, chính là một điểm sáng - một hình mẫu tiên tiến - trong Dòng Dược Liệu Việt đang hình thành. Hy vọng, trong năm tới, trong Dòng Dược Liệu Việt sẽ xuất hiện nhiều hơn những điển hình tiên tiến như vậy.