Dày công với công trình khoa học khép kín từ nghiên cứu thực vật học đến trại dược liệu, công nghệ nuôi trồng, bào chế, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm sáng chế thuốc chữa khối u Crila.
Cầm trên tay một nhánh Trinh nữ hoàng cung mới vài tuần tuổi, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm diễn giải về cách thức chăm sóc để cây cho hàm lượng hoạt chất sinh học ổn định nhất. Nghiên cứu nhiều thập niên của bà đã khẳng định cây thuốc này chỉ phù hợp với thổ nhưỡng miền Nam, nếu đưa đến vùng miền khác sẽ làm mất đi hoạt chất sinh học. “Nhưng cũng đáng mừng, không phải lo giống cây của Việt Nam bị mang đi mất,” bà nói.
Đó là cây “trinh nữ Crila” - tên giống bảo hộ cho một thứ mới thuộc loài trinh nữ hoàng cung có ở Việt Nam, được công ty Thiên Dược, do bà Trâm lập ra, làm nguyên liệu sản xuất thuốc Crila điều trị u xơ tử cung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Hiện thuốc giá chỉ bằng 1/3 sản phẩm nhập khẩu này năm 2012 mang lại 45 tỉ đồng doanh thu nội địa cho công ty của bà Trâm và được phép bán ở thị trường Mỹ.
Loài trinh nữ hoàng cung gắn với tiến sĩ Trâm từ năm 1990 khi bà bắt đầu nghiên cứu đa hình di truyền các giống trinh nữ hoàng cung và tìm ra một trong bảy giống có chứa nhóm alcaloid và flavonoid, những chất ức chế sự phát triển khối u. Cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam của bà và cộng sự năm 2010 được hội đồng Khoa học Nhà nước đánh giá là thành tựu lớn của nền y học Việt Nam. Trước đó, bà nhận giải thưởng Kovalevskaya vinh danh nhà khoa học nữ cho công trình nghiên cứu của mình
Năm 1990, tiến sĩ Trâm bảo vệ luận án tiến sĩ xác định thành phần và cấu trúc của 45 hợp chất có trong tinh dầu cây thảo quả Việt Nam tại Bulgaria và tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Bà trợ giảng tại đại học Kỹ thuật hóa Sophia và là cộng tác viên khoa học của viện Nghiên cứu hàn lâm Bulgaria, trong nhóm nghiên cứu các cây thuốc châu Á để điều trị ung thư và các khối u. Phát hiện các tác dụng từ cây trinh nữ hoàng cung, niềm tin sẽ sản xuất được loại thuốc chữa khối u đã thôi thúc bà bước vào hành trình gian nan đưa nghiên cứu ra thị trường.
Ở thị trường đặc thù như y tế, bà thừa nhận “khó khăn bộn bề.” Bà xác định không có nguồn đầu tư mạo hiểm nào từ nhà nước tới tư nhân nên “muốn đạt niềm tin mình phải tự đầu tư.” Bà bán căn nhà khang trang ở Hà Nội, vốn mua từ số tiền tích lũy nhiều năm làm cộng tác viên khoa học ở nước ngoài để mua căn khác tại Sài Gòn với số tiền ít hơn. “Tiền còn lại dồn cho nghiên cứu, thuê người đi khắp nơi mang giống về trồng, bao nhiêu năm cứ hái lá, thử nghiệm rồi đổ đi,” bà nhớ lại.
“Ân nhân” kinh doanh đầu tiên của bà là chi nhánh quận 5 ngân hàng Agribank với khoản cho vay 200 triệu đồng năm 1997 để mua máy đóng trà túi lọc. “Lúc đó chẳng có ngân hàng nào cho vay với căn nhà chưa có sổ đỏ nhưng tôi đã được vay, nhờ họ đã nhìn nhà khoa học như tôi với góc độ tin cậy.” bà nhớ lại.
Việc thử nghiệm lâm sàng trà trinh nữ hoàng cung tại bệnh viện Việt Xô cũng nhờ vào sự tin cậy của người lãnh đạo bệnh viện thời đó. Trà trinh nữ hoàng cung ra thị trường năm 1997 nhanh chóng được người dùng chấp nhận đã tạo nguồn tích lũy cơ bản giúp bà đi sâu hơn vào sản xuất thuốc.
Chốt cuối cùng để viên thuốc ra được thị trường là kết quả đánh giá lâm sàng. Chỉ như vậy mới có thể chứng minh rằng các nghiên cứu là đúng về thực vật học, nuôi trồng cho đến thành phần hóa học, chiết xuất, bào chế,” bà nói. Năm 2004 viên nang Crila được thử nghiệm lâm sàng trên hơn 1.000 bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh như viện Lão khoa, bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và bệnh viện Phụ sản trung ương.
Nghĩ đúng và làm đúng lương tâm trong lĩnh vực chuyên sâu thì sẽ thành công. Bà thừa nhận cách nghĩ của nhà khoa học khác biệt rất nhiều so với thực tiễn kinh doanh. “Khởi đầu tôi nghĩ thuốc mình làm ra trong nước thì giá phải rẻ hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường, mình vẫn có khoản chênh lệch nhất định dành cho nghiên cứu,” bà kể. Thực tế thị trường khắc nghiệt hơn. Giá thấp nên không đủ kinh phí truyền thông và khó tạo nguồn tích lũy cho tái đầu tư R&D.
May mắn, theo bà Trâm, là một sản phẩm từ công trình khoa học nên được giới truyền thông quan tâm, giúp công chúng biết đến một cách nhanh chóng. Bà nói: “Tôi vui bởi nếu sản phẩm không thật sự vững vàng về chất lượng khó mà trụ nổi trên thị trường suốt 10 năm nay.” Năm 2013 Thiên Dược ước tính sản phẩm từ trinh nữ Crila chiếm đến 50% thị phần của dòng thuốc này trên thị trường. Mức doanh thu gần 45 tỉ đồng là con số lớn nếu tính trên một dòng thảo dược nhưng rất nhỏ trong thị trường thuốc nhập khẩu.
Cơ hội lớn mở ra cho dược thảo khi sản phẩm được bào chế từ cây thuốc tự nhiên ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Crila gây chú ý ở Mỹ khi kênh truyền hình chuyên về sức khỏe Healing Quest của Mỹ đến Việt Nam thực hiện phóng sự về công trình của tiến sĩ Trâm, thúc đẩy nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu. Năm 2011 Crinum Health chính thức phân phối Crila vào Mỹ, sau khi phòng thí nghiệm Eurofins (đại học Illinois, Mỹ) chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn an toàn của FDA và được phép lưu hành.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm tại vùng trồng dược liệu của Thiên Dược tại Long Thành đạt chuẩn GACP của WHO.
Tiến sĩ Sue McKinney, chủ tịch Crinum Health cho biết, lý do chọn Crila là sản phẩm được sản xuất trong hệ thống khép kín và nguyên liệu thu hái nơi vườn trồng đạt chuẩn. Bà nói: “Chúng tôi không phải đối mặt với bất cứ rủi ro nào về nguồn gốc hay chủng loại thảo dược trong sản phẩm.”
Thông tin giá trị đối với Thiên Dược là tiến sĩ Richard van Breemen cùng cộng sự ở Eurofins sau khi kiểm chuẩn đã tiếp tục nghiên cứu sâu về Crinum Health, và kết luận “các hỗn hợp của cây trinh nữ Crila không chứa estrogen.” Kết luận này đồng nghĩa Crila an toàn cho người bị ung thư vú hay ung thư tuyến tiền liệt. Crinum Health sau đó dán nhãn “Estrogen Free” khi lưu hành tại Mỹ.
Thiên Dược xác định con đường mở rộng qua thị trường toàn cầu. Một hộp Crila 40 viên giá 75.000 đồng, bằng khoảng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu nhưng khả năng cạnh tranh cao hơn nhờ không gặp các tác dụng phụ. Tiến sĩ Trâm cho biết, khi đạt chuẩn vào Mỹ, cơ hội mở rộng thị trường dễ dàng hơn. Hiện giá bán Crila ở Mỹ 99,99 đô la Mỹ/hộp 180 viên.
Tiến sĩ Sue McKinney nhận định chỉ riêng ở Mỹ các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên mỗi năm tăng trưởng doanh số 100 triệu đô la Mỹ. Bà nói: “Điều này là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nếu chú ý nghiêm ngặt về chất lượng. Những công ty lớn của Mỹ ngày càng không muốn mua dược liệu từ Trung Quốc vì hóa chất độc hại.”
Theo tiến sĩ Trâm, bắt kịp xu hướng là một thách thức nhưng quan trọng nhất là tận dụng cơ hội để biến những dược liệu quý và phong phú của Việt Nam thành những sản phẩm có thể chen chân vào thị trường dược phẩm quốc tế. “Đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tự nhiên nó tự tổng hợp giỏi hơn cả con người để cho ra những hợp chất mới hỗ trợ con người,” bà phân tích.
Việt Nam có hơn 4.000 loài cây thuốc cùng hàng ngàn loài sinh vật biển có thể làm thuốc nhưng chủ yếu sử dụng thuốc nhập theo bà là “sự thách đố đối với trí thức Việt.” Điều đó đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế nghiên cứu khoa học, cơ chế phát triển thuốc và kể cả cơ chế đưa thuốc vào bệnh viện, để nguồn dược liệu đa dạng và phong phú phát triển đúng với tiềm năng của nó.
Mô hình khép kín từ thực vật học đến sản xuất đã tạo ra sự vượt trội cho Crila. Sau khi thuần chuẩn thành công cây giống, bà phát triển 20 héc ta trinh nữ hoàng cung ở Long Thành - Đồng Nai, trở thành vùng trồng dược liệu sạch đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc) của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bà cải tạo đất hoang bằng cách chở đất sạch từ rừng về đổ dày lên để cây có thể cho rễ dài hơn nhiều so với thông thường khoảng 15 cm. Để tránh hóa chất độc hại hoặc phân bón tổng hợp, bà đặt nguồn phân bò ở các trại nuôi tự nhiên từ Ninh Thuận về ủ hoai với lá trinh nữ hoàng cung đã chiết xuất, lên men vi sinh và bón trở lại. Để diệt côn trùng gây hại, họ dùng hợp chất tạo mùi thơm để dẫn dụ sâu đực vào lọ, ngăn ngừa sự thụ tinh của sâu cái.
Ở thị trường đặc thù như y tế, không có nguồn đầu tư mạo hiểm nào từ nhà nước tới tư nhân nên muốn đạt niềm tin mình phải tự đầu tư. Bước quan trọng khác là tạo lập quy chuẩn quốc tế cho cả nhà máy sản xuất, các phòng kiểm nghiệm, thực hành và bảo quản thuốc. Bản quyền tác giả và bảo hộ sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích được bà chú trọng bảo vệ.
Con đường nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Trâm chịu ảnh hưởng lớn từ sự nghiệp nghiên cứu của cha, nhà khoa học Nguyễn Văn Trương. GSTS Trương xuất thân là kỹ sư lâm nghiệp thời thuộc Pháp thông thạo nhiều ngoại ngữ và là tổng biên tập đầu tiên của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông hướng nghiệp bà bằng lời khuyên: “Việt Nam có nhiều cây thuốc quý. Con cố gắng học, làm ra thuốc mới chữa bệnh cho dân.”
Điều đó cho bà niềm tin và động lực mạnh mẽ. Khi vừa tốt nghiệp đại học năm 1972 bà đã tạo ra xi rô ho húng chanh cho trẻ em chiết xuất từ cây tần dày lá, được xem là tự lực thuốc đầu tiên của Việt Nam. “Niềm say mê nghiên cứu tiềm ẩn trong gen của bố đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành trong khoa học.” Bà cho biết, mình học được ở ông lòng kiên trì, lạc quan, tin tưởng vào công việc và cách ông tự tìm nguồn tài chính để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Sự nghiệp của bà còn được hậu thuẫn từ người bạn đời, nguyên là giảng viên khoa hóa của đại học Thương mại, khi ông “lùi lại” chăm sóc gia đình trong những năm tháng bà miệt mài nghiên cứu ở nước ngoài. “Giờ về hưu thì cùng nhau bàn thảo các vấn đề khoa học, ông giúp tôi những việc thư ký không thể làm được.”
Những ngày cuối tháng bảy, vị tiến sĩ 65 tuổi bận rộn với kế hoạch cho ra đời dòng thực phẩm chức năng Thiên hồng sa, được thương mại hóa từ công trình nghiên cứu thuốc chữa bệnh trĩ từ ba loại dược thảo Việt Nam. Bà cũng đang thực hiện hai dự án bảo tồn và khai thác nguồn gen cây đinh lăng và cây rau sam làm nguyên liệu sản xuất thuốc. 5 héc ta đinh lăng bảo tồn đã được đánh giá qua các mùa thu hái cho thành phần của rễ đạt đến 17% so với mức trung bình chỉ 7%. Bà cho biết chuẩn bị nghiệm thu dự án cấp nhà nước để tiếp tục nghiên cứu những chất mới làm thuốc điều trị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim.
Lớn tuổi, song cách bà nói về cây thuốc Việt Nam tràn đầy đam mê như “mọi sự mới bắt đầu.” Bà đang đi sâu phát triển thuốc Crilinte hỗ trợ điều trị ung thư bằng phương pháp kích thích miễn dịch, ngăn ngừa sự tạo mạch và tế bào ung thư. Sản phẩm thí nghiệm thành công trên ung thư phổi, u não lành tính và ác tính cho hiệu quả cao và đang xin bộ Y tế thử nghiệm lâm sàng trên ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt với sự cộng tác với các nhà khoa học của viện Hàn lâm khoa học Bulgaria và đại học Tổng hợp Innsbruck (Áo).
“Trong những thứ tôi có được, cả về sự nghiệp khoa học lẫn tài chính, lớn nhất là danh dự. Bằng công sức lao động cật lực của mình, tôi tin nó bền vững,” tiến sĩ Trâm nói. Về các nghiên cứu sắp tới, bà cho biết: “Tôi đã lớn tuổi, không còn đủ thời gian để theo dõi đến cùng những kết quả nghiên cứu của mình nhưng tôi tin vào sự thành công. Thế hệ sau, các cộng sự sẽ đi tiếp bước đường ở Thiên Dược để lưu lại công sức cho đời sau.”