Việc sản phẩm bào chế từ cây trinh nữ hoàng cung "bước ra" từ Chương trình KC.06/11-15 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một trong những bằng chứng sống động cho thành công của chương trình này.
Tại hội thảo đánh giá kết quả Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực(KC.06/11-15) và định hướng phát triển, tổ chức ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: "Chương trình KC.06/11-15 liên quan đến những sản phẩm chủ lực như lúa lai, dược phẩmđạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cá trình hoa, cá chim vây vàng... Đây là những "chấm" thể hiện bức tranh sản phẩm chủ lực của Việt Nam liên quan đến nông nghiệp, liên quan đến lúa gạo. Thông qua báo cáo của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và đại diện cho các viện nghiên cứu, tôi đánh giá rất cao kết quả mà chương trình KC.06/11-15 đạt được trong những năm vừa qua".
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu của chương trình KC.06/11-15 và định hướng phát triển tổ chức ngày 30/06.
Trong 46 nhiệm vụ của chương trình, có tới 41 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều công nghệ tiêu biểu được ứng dụng thành công, chẳng hạn như quy trình thâm canh ngô thương phẩm cho giống ngô lai LVN111 và LVN102, mỗi ha cho năng suất cao hơn 2-3 tấn so với các giống khác. Quy trình công nghệ ươm giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hình thức công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn và hệ thống hở là một bước đột phá giúp nghề nuôi cá chình ở Việt Nam phát triển và giảm giá thành con giống cũng như giá thành nuôi thương phẩm.
Chương trình KC.06/11-15 có 108 quy trình công nghệ được chuẩn hoá đồng bộ, tạo ra 19 cây trồng được công nhận là giống sản xuất thử và giống chính thức (gồm 8 giống lúa, 2 giống đậu tương, 2 giống ngô, 1 giống cây trinh nữ hoàng cung, 2 giống cam quýt không hạt và 2 giống thanh long).
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, các nghiên cứu của chương trình đã góp phần giúp các sản phẩm chủ lực của Việt Nam có chỗ đứng ở thị trường trong nước và thế giới. Việc vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản hay EU rất gian khó. Những nước này không chỉ đưa ra các hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm nước ngoài mà còn có nhiều cách thức hiệu quả bảo vệ doanh nghiệp của họ và cũng như người tiêu dùng.
Viên nang thực phẩm chức năngCrila Forte - một sản phẩm của chương trình KC.06/ 11-15, thuộc dự án hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất viên nang cứng Crila do TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm làm chủ nhiệm - đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Sản phẩm được bào chế từ nguyên liệu là cây trinh nữ hoàng cung với vùng trồng sạch đạt tiêu chuẩn GMP.
TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho biết: Quy trình chiết xuất nguyên liệu đạt công suất 1.000kg/mẻ, quy trình bào chế đạt công suất 500.000 viên/mẻ. Sản phẩm được áp dụng sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Việc mở rộng vùng trồng dược liệu đã tạo sản phẩm thuốc mới từ nguồn nguyên liệu sạch, chủ động nguyên liệu làm thuốc và chứng minh năng lực sáng tạo của của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật y dược Việt Nam.
"Sản phẩm Crila Forte đã vào được Mỹ, quả thật tôi hết sức ngạc nhiên. Số lượng chưa thật nhiều nhưng đây là điều đáng mừng", Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói. "Chương trình KC.06 làm cho tôi rất ấn tương, đây là những sản phẩm, kết quả nhiều năm có khi cả cuộc đời của các nhà khoa học và cuối cùng chúng ta. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà quản lý đã có đóng góp tích cực cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là những sản phẩm gần gũi với con người nông sản, thực phẩm là lúa gạo, ngô, cà phê, trà, thủy sản, một số ít các sản phẩm liên quan đến dược liệu các sản phẩm công nghiệp.
Theo PGS.TS Trần Quốc Thắng, Chủ nhiệm chương trình, tuy các nhiệm vụ đã đạt kết quả, có sản phẩm cụ thể, hướng đến yêu cầu chất lượng, khả năng chiếm lĩnh thị trường nhưng để mở rộng quy mô và để hướng đên tính bền vững, cần thêm thời gian. "Tôi hy vọng kết quả sẽ được nhân rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, nâng cao số lượng sản phẩm và chiếm lĩnh được thị trường" - ông Thắng nói.
Lê Loan