Trinh Nữ Hoàng Cung, còn gọi là tỏi lơi lá rộng, thập bát học sĩ (Trung Quốc); tên khoa học là Crinum latifolium L., họ Amaryllidaceae. Đó là cây một lá mầm, có củ tròn nằm dưới đất; lá mỏng, hình dải, màu xanh, có gân song song, dài 50-100 cm, rộng 3-10 cm, bìa lá hơi dún (dợn sóng) chứ không thẳng như các loại cây Náng hay cây Lan huệ trồng làm cảnh. Cụm hoa mọc từ một cuống rỗng, hơi dẹt, mang nhiều hoa to, màu trắng, hơi phớt hồng, hình loa kèn, có 6 cánh bằng nhau; khi nở đầu cánh hoa hơi quăn lại. Từ củ (thân hành) mọc rất nhiều củ con, có thể tách ra để trồng dễ dàng.
Từ lâu Trinh Nữ Hoàng Cung hoặc một số cây cùng chi Crinum, nhưng khác loài, như các loại Náng đã được dùng trong dân gian để làm thuốc hoạt huyết, giảm đau, tiêu viêm, tán ứ, tiêu thủng. Dùng lá hoặc cả cây giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp tươi hay xào với giấm đắp khi còn nóng bó rịt lên chỗ đau do sưng trặc, tụ máu vì chấn thương hay do phong thấp, thống phong (bệnh gout).
Có thuyết cho rằng cây này có tên Trinh Nữ Hoàng Cung là do trước đây nó được dùng một cách bí truyền để trị bệnh phụ khoa cho các phi tần và cung nữ trong hoàng cung các triều vua nhà Nguyễn ở nước ta, nhưng cũng có người cho là nó lấy từ hoàng cung Thái Lan, hoặc từ Campuchia; thực hư thế nào chưa rõ.
Gần đây, nhiều kinh nghệm dùng lá Trinh Nữ Hoàng Cung để trị u xơ tuyến tiền liệt, u nang buồng trứng, u xơ tử cung lành tính có kết quả khả quan. Liều sử dụng theo Gs. Đỗ Tất Lợi thì mỗi ngày dùng 3 lá tươi loại nhỏ, cắt thành đoạn 1-2 cm, sao khô màu hơi vàng, sắc uống; liên tục 7 ngày, rồi nghỉ 7 ngày, rồi lại uống tiếp 7 ngày; liên tục như vậy trong 3 đợt hoặc nhiều hơn. Kinh nghiệm của bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội thì có thể dùng liên tục 3 tuần lễ (21 ngày) rồi nghỉ 7 ngày và dùng đợt kế tiếp.
Theo Gs. Vũ Văn Chuyên, trường đại học Dược Hà Nội thì có người cũng đã dùng lá Trinh Nữ Hoàng Cung để chữa nhiều dạng ung thư như ung thư vú, tử cung, tuyến tiền liệt, dạ dày, gan, phổi… nhưng đây cũng chỉ là những kinh nghiệm riêng lẻ chứ chưa có các công trình nghiên cứu lâm sàng đầy đủ, đáng tin cậy để xác minh tính hiệu quả, cũng như chỉ định rõ ràng về các loại bệnh, cách dùng, liều dùng cụ thể ra sao.
Từ những năm 1980 các nhà khoa học Ấn Độ (như S.Ghosal và cộng sự), Nhật Bản (Kobayashi Shigeru và cộng sự, Bungaria hoặc Việt Nam (như Nguyễn Thị Ngọc Trâm; Nguyễn Hoàng; Trần Văn Sung; Võ Thị Bạch Huệ và cộng sự, Lê Tiến Dũng, Nguyễn Công Hào và cộng sự…) đã nghiên cứu thành phần hóa học của cây Trinh nữ hoàng cung và cho thấy trong lá Trinh nữ hoàng cung có nhiều alkaloid, các glucan A và B, acid amin và axit hữu cơ khác. Đáng chú ý là một số hoạt chất trong của Trinh nữ hoàng cung có thể ly trích với dung môi là nước nóng. Điều này cho thấy có thể dùng Trinh nữ hoàng cung dưới dạng thuốc sắc hoặc là hãm như trà.
Các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, công ty Dược liệu Trung Ương 2 (Việt Nam) cùng với E. Zvetkova, E. Nikolova, E. Katzarova thuộc viện Hình thái học và Nhân chủng học thực nghiệm (Bungaria) và G. Kostov thuộc Bệnh viện Ung thư 5000 Veliko Tamovo (Bungaria) đã cho thấy dịch chiết bằng nước nóng lá Trinh nữ hoàng cung của Việt Nam kích thích hữu hiệu sự sinh sản của tế bào Lympho T và đặc biệt có tác dụng kích thích trực tiếp tế bào CD3+, CD4+ và CD8+. Đây là những loại tế bào của hệ miễn có khả năng chống các tế bào ung thư cũng như các tác nhân gây bệnh khác (vi khuẩn, siêu vi…).
Trên lâm sàng, Viện Y Dược học Dân Tộc TP.HCM và một số cơ sở khác cũng đã bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm lá Trinh nữ hoàng cung để trị các chứng ung bướu.
Theo một bài báo cáo thì Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội đã thực hiện đề tài nghiên cứu dùng nước sắc lá Trinh nữ hoàng cung trị u xơ tuyến tiền liệt trong 7 năm đạt kết quả rất tốt, không cần can thiệp ngoại khoa. Nước sắc lá Trinh nữ hoàng cung chứng tỏ không độc. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cũng đã dùng lá Trinh nữ hoàng cung kết hợp với các dược liệu khác như Tam thất, Linh chi, Rau má, Long nhãn, Cam thảo, Hạt sen, Đỗ trọng cho bệnh nhân ung thư đã được xạ trị sử dụng thì thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Qua nghiên cứu trên 100 bệnh nhân ung thư các loại được chia thành hai nhóm: Nhóm 1 dùng lá Trinh nữ hoàng cung và nhóm 2 dùng giả dược (placebo). Kết quả theo dõi 45 ngày cho thấy: Ở nhóm 1, số lượng hồng cầu, bạch cầu và hàm lượng protein toàn phần trong máu tăng đáng kể; trọng lượng cơ thể cũng tăng lên nhiều. Số lượng tế bào Lympho CD4+ và CD8+ tăng ở nhóm 1 trong khi giảm hẳn ở nhóm 2. Điều này chúng tỏ thuốc làm giảm rõ rệt các ảnh hưởng tiêu cực của phương pháp chiếu xạ trên bệnh nhân ung thư…
Một tài liệu khác công bố trên tạp chí Dược học (số tháng 11.2001) TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm (công ty Dược liệu TW2) và các cộng sự ở Viện Hóa học và Hợp chất thiên nhiên (TTKHTN & CNQG) và ở Viện Hàn lâm Khoa học Bungaria cũng đã nghiên cứu tác dụng độc của các alkaloid chiết bằng nước sôi từ lá Trinh nữ hoàng cung trên các dòng tế bào ung thư người như: Hep-G2 (gây ung thư da); F1 (ung thư màng tử cung); RD (ung thư cơ tim) và đã đi đến kết luận: Các alkaloid trong dịch chiết lá cây Trinh nữ hoàng cung có hoạt tính mạnh với cả ba dòng tế bào ung thư nói trên. Điều này mở ra triển vọng trong tương lai sẽ có sản phẩm kháng ung bướu từ lá cây Trinh nữ hoàng cung.
Công ty Dược liệu TW2 tại TP.HCM đã tổ chức nghiên cứu phân loại thực vật về mặt hình thái cũng như về thành phần hóa học cây Trinh nữ hoàng cung và cho nhân giống đại trà để bào chế ra các chế phẩm dạng trà túi lọc và viên nang.
Một số cơ sở khác cũng đã chế biến lá Trinh nữ hoàng cung và dưới dạng dược liệu khô, trà túi lọc hay viên nang… (như Công ty cổ phần dược phẩm 2/9 đang trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng viên nang Crina).
Tuy nhiên, do các quy định nghiêm ngặt của ngành y tế về nghiên cứu và sản xuất ra dược phẩm mới và đặc biệt là những trở ngại trong việc đưa chế phẩm vào nghiên cứu lâm sàng đối với một bệnh nan y mạn tính như bệnh ung thư, cho nên cho đến nay các dược phẩm bào chế từ lá Trinh nữ hoàng cung được chính thức cho phép lưu hành như viên nang CRILA của Công ty Dược liệu Trung Ương 2 cũng chỉ ghi chỉ định là để điều trị “phì đại lành tính tuyến tiền liệt”. Còn chế phẩm trà túi lọc Trinh nữ hoàng cung (không được xem là dược phẩm)thì cũng chỉ ghi: “đã được các ngự y sử dụng cho vua chúa. Từ lâu được lưu truyền trong nhân dân nhằm cải thiện, phòng ngừa các bệnh tuyến tiền liệt, tiểu tiện khó ở nam giới và điều hòa khí huyết ở nữ giới”,… chứ chưa thể khẳng định tác dụng trị ung thư của các chế phẩm từ lá Trinh nữ hoàng cung.
Bài viết này chúng tôi chỉ xin nêu một số thông tin dè dặt và mong nhận được các ý kiến phản hồi của bạn đọc.