Từ xưa đến nay cây dền gai rất quen thuộc với chúng ta và được biết đến như món ăn thường gặp trong các bữa ăn gia đình người Việt. Tuy nhiên ít ai có thể biết tác dụng dền gai trong điều trị bệnh đặc biệt là trĩ.
Đặc điểm của cây dền gai
Cây dền gai có tên khoa học là Amaranthus spinosus L. thuộc họ rau dền Amaranthaceae. Dền gai là cây thảo hàng năm, cao 0,30-0,70 m, phân cành nhiều, không lông. Lá mọc so le, hình thuôn dài, cuống dài có cánh, ở gốc có 2 gai dài 3-15 mm, mặt trên phiến lá màu xanh dợt. Hoa mọc thành xim và sắp xếp sít nhau ở nách lá thành những bông dài, các lá bắc như gai 7-8 mm. Quả là một túi hình trứng nhọn một đầu. Hạt đen óng ánh .
Cây dền gai (Amaranthus spinosus L.)
Thành phần hóa học
Rễ dền gai chứa spinasterol.
Toàn cây chứa sterol (β – sitosterol, stigmasterol, campesterol, cholesterol, n – alkan, các acid béo (acid stearic, acid oleic, acid linoleic).
Phần trên mặt đất chứa rutin 1,9%.
Lá có rutin 1,9%, acid hydrocyanic, kali 4,5%.
Dền gai còn có 3-methyl-1-butanol, 3-hexen-1-ol, 3-methylbutanal, 2-heptanon.
Cây dền gai chứa một tỷ lệ cao Kali nitrat, nhất là ở rễ.
Tác dụng của cây dền gai:
Dền gai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, thu liễm ngừng tả.
Lá và ngọn non dùng luộc ăn như các loại rau dền. Thường dùng trị phù thũng, bệnh về thận, bệnh lậu, chữa lỵ có vi khuẩn và làm thuốc điều kinh. Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc dịu, để trị bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt. Lá có tính long đờm và được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp. Hạt có thể dùng như hạt cây mào gà đắp để băng bó chỗ gãy. Nhân dân còn dùng hạt và rễ trị bệnh đau tim.
Dền gai có hoạt tính kích thích thực bào, cao nước có tác dụng diệt nấm cercospora cruenta.
Đột phá mới từ dền gai và rau sam cho bệnh trĩ
TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm và cộng sự đã chiết xuất phân đoạn cao dền gai và thử tác dụng dược lý trên cơ trơn thành mạch, trương lực và nhu động ruột, quá trình đông – cầm máu, trên huyết áp, và khả năng giảm đau, chống viên, kháng khuẩn. Kết quả cho thấy có hai phân đoạn đạt 16 điểm, hai phân đoạn này có tác dụng tốt trong điều trị bệnh trĩ.
Công trình nghiên cứu của TS Trâm đã phát hiện được một tác dụng mới của cây dền gai và rau sam chữa trị bệnh trĩ. Bởi vì các bài thuốc cổ phương cũng như tác phẩm “"Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS Đỗ Tất Lợi cũng chưa viết về khả năng chữa trị bệnh trĩ của dền gai mà chỉ có các bài thuốc dân gian làm mát cơ thể và trị táo bón trong công thức có thành phần rau sam.
Tuy nhiên người bệnh không nên tự ý điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp sắc uống sẽ khó có hiệu quả chữa trị bệnh. Vì loài dền gai và rau sam có rất nhiều cây, khó phân biệt, người bệnh có thể nhầm lẫn khi mang về sử dụng. Bên cạnh đó các hợp chất có tác dụng sinh học lấy từ rau sam và dền gai được chiết bằng dung môi khác không phải là nước. Hơn nữa dược liệu thu hái từ các nguồn rau trồng có khả năng nhiễm các loại thuốc diệt sâu bệnh, do quá trình trồng rau người nông dân dùng thuốc diệt sâu bệnh để bảo vệ cây trồng.