Nữ tiến sĩ đưa Trinh nữ hoàng cung lên ngôi

26/08/2006
15 năm bền bỉ “cùng ăn, cùng ở” với loài cây có tên gọi kiêu sa, đài các ấy, bà đã đem đến cho những người không may mắc phải căn bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung 1 niềm vui khôn tả. Thành công này đã được hội đồng khoa học cấp nhà nước thẩm định đánh giá cao và được coi là 1 trong những thành tựu của nền y học Việt Nam. Ngày 18/8/2005, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố quyết định về việc cấp Bằng Độc quyền Giải pháp Hữu ích cho công trình “thuốc chữa bệnh u xơ tiền liệt tuyến bào chế từ Alcaloids được chiết xuất từ lá cây Trinh Nữ Hoàng Cung Việt Nam (Crinum Latifolium L ) và phương pháp bào chế” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Chặng đường gian nan đã tới đích, nhưng như người lữ hành không mệt mỏi vì biết mình không cô độc, bà vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ với những nghiên cứu của mình ….

Tin ở chính mình

Những ngày nay bà như con thoi đi lại giữa TPHCM và Hà Nội. Sản phẩm viên nang CRILA bán chạy đến độ thuốc sản xuất ra không kịp cung cấp cho nhu cầu thị trường. Dù đã có công thức sản xuất và dây chuyền tự động cứ thế vận hành, nhưng Tiến sĩ trâm không thể yên tâm khi quá trình sản xuất thuốc không có mình. Bà cứ tham công tiếc việc như vậy, cái ham đến độ say sưa, mê đắm của người làm khoa học, ham đến như “nhập đồng” mỗi khi tìm thấy thêm 1 công dụng của sản phẩm mình đang dốc lòng, dốc sức nghiên cứu. Cũng chính vì lòng say mê nghề nghiệp ấy mà bà đã bán cả đất đai, nhà cửa, dành trọn hàng chục nghìn đô- la tiền thưởng cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học tại Bulgaria để mua cây giống và miệt mài ươm trồng thử nghiệm Trinh Nữ Hoàng Cung. Sau 15 miệt mài, âm thầm nghiên cứu, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã thành công với viên nang CRILA - sản phẩm thuốc 100% được chiết xuất từ lá cây Trinh Nữ Hoàng Cung có tác dụng chữa căn bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Ngày 21/7/2005, Cục Quản lý Dược Việt nam đã chính thức cấp phép cho CRILA lưu hành ở Việt Nam … Trong ngày CRILA ra đời, nữ Tiến sĩ đã dành bó hoa tươi thắm nhất mà bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng để tặng cha mình- GS.TSKH. anh hùng lao động Nguyễn Văn Trương. Người cha đáng kính với mong muốn con mình sẽ trở thành dược sĩ từ ngày cô bé Trâm còn nhỏ xíu, đã luôn là động lực, là niềm tin để bà vững bước trên con đường nghiên cứu khoa học gập ghềnh, gian nan nhưng rất đỗi vinh quang. “ Hổ phụ sinh hổ tử”- câu nói của người xưa đúng nguyên giá trị với 1 gia đình mà truyền thống hiếu học đã rạng danh qua nhiều thế hệ.

Nhìn lại hành trình đã qua, bà quả quyết: “Tôi chưa hề mệt mỏi, chưa 1 phút nản lòng. Vì niềm tin và lòng đam mê quá lớn nên mình đã vượt qua nhiều thử thách, sóng gió. Xác định mình đã và đang làm đúng nên kết quả chắc chắn phải đúng. Chính vì điều ấy mà mình quyết tâm. Có duy trì được lòng tin mới có thể vựợt khó và đi đến đích”.

Trinh Nữ Hoàng Cung “nở hoa” giúp đời.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối con phố Trần Xuân Soạn, ngôi nhà gắn liền với tuổi thơ của 4 chị em bà, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm dành cho tôi- một “người ngoại đạo” gần như mù tịt những kiến thức và lĩnh vực bà đang nghiên cứu 1 cuộc trò chuyện thú vị. cái nắng hiếm hoi nhưng vàng rượi như ướp mật của chiều đông Hà Nội, khiến không khí trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng và thân thiện hơn. Rót chén nước trà ấm sực được ủ trong cái ấm giỏ ra chén mời khách, Bà cười bảo: “ Ngần này tuổi đầu rồi, cũng đã ở bên kia của đỉnh dốc cuộc đời, nhưng mỗi lần về lại căn nhà nhỏ của ba mẹ, mình vẫn thấy như được sống lại những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ. Cả 4 chị em mình có được như ngày hôm nay là nhờ ba mẹ. Người đầu tiên để mình chia sẻ những niềm vui, những thành công trong khoa học là ba mẹ. Ba mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe, hiểu và chia sẽ với con, đặc biệt là ba- ông chính là người đã định hướng và đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên tình yêu và niềm đam mê khoa học của mình”. “ Vậy những khi buồn, khi gặp thất bại trong công việc, bà nghĩ đến ai để chia sẻ?”. Nghe xong câu hỏi hơi tò mò của tôi, bà nhẹ nhàng nói: “ Tôi chia sẻ với tôi. Những lúc ấy tôi thường hay giấu, tự mình chịu đựng vì không muốn làm những người thân yêu của mình lo lắng. Mình động viên mình, rồi suy nghĩ đặt ra cho mình 1 hướng để giải quyết những việc chưa được như ý ấy”

Ngày ấy khi CRILA được thử nghiệm trên động vật, trên người tại nước ngoài cho kết quả tốt, trở về nước Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã “vấp” ngay 1 “ hàng rào” đều là những giáo sư, bác sĩ uy tín khi thông qua đề cương đưa CRILA vào thử nghiệm lâm sàng điều trị cho bệnh nhân. Nhiều ý kiến cho rằng không thể có 1 viên thuốc từ dược liệu đông y lại chữa được khối u. Một giáo sư đầu ngành sản khoa đã nói: “Nếu viên thuốc này chữa được u xơ tử cung thì đó là thuốc tiên”. Buồn nhưng không nản lòng trước những ý kiến ấy, bằng cả 1 quá trình chứng minh từ lý thuyết cơ bản, cơ sở khoa học đến thực nghiệm lâm sàng trên 50 bệnh nhân tự nguyện tại bệnh viện, Tiến sĩ Trâm đã thuyết phục được các nhà khoa học, các y bác sĩ điều trị về tác dụng của CRILA . Qua phương pháp khám hiện đại, siêu âm, xét nghiệm PSA của bệnh nhân có u xơ tiền liệt tuyến và nghi ung thư tuyến tiền liệt là những bằng chứng thuyết phục nhất, rõ ràng nhất để chứng minh. Có bệnh nhân khối u kích thước là 63mm được chỉ định mổ, sau thời gian điều trị, kích thước khối u giảm xuống còn 25mm. Không những thế CRILA còn có tác dụng tốt trong việc cải thiện tình trạng đi tiểu đêm của người bệnh, từ 8-10 lần/ đêm, sau khi dùng thuốc đã giảm xuống còn 2-3 lần/đêm, rồi không phải đi tiểu đêm nữa. Hay như có bệnh nhân u xơ tử cung có khối u với 5 đa nhân xơ tử cung, uống thuốc xong chỉ còn 1-2 nhân xơ hoặc không còn nhân xơ nào nữa … Nhớ lại những ngày gian nan ấy, Tiến sĩ Trâm lắc lắc mái đầu: “Dù ở nước ngoài đã thử nghiệm rõ ràng trên người nhưng khi về Việt Nam, mình phải làm lại tất cả. Các nhà khoa học, các bác sĩ nghi ngờ vấn đề gì, đưa ra câu hỏi gì là mình phải trả lới, phải thực hiện để chứng minh bằng hết. Mình đã mất 5 năm để thuyết phục các nhà khoa học đồng ý cho đưa CRILA vào thử nghiệm trên bệnh nhân tại 1 số bệnh viện”.“Vậy đâu là động lực để bà vượt qua những thử thách ấy?” Nở nụ cười hồn hậu, bà trả lời ngay câu hỏi của tôi mà không cần phải đắn đo: “Niềm vui của người bệnh. Tôi biết mình đang đi đúng đường và những kết quả tiến triển rất tốt của bệnh nhân khi điều trị bằng CRILA khiến tôi vững bước. Có bệnh nhân ở đồng bằng sông Cửu long bị u xơ tử cung, đã lập gia đình mà chưa có con, gia đình chồng dứt khoát muốn 2 vợ chồng bỏ nhau. Nay thì mọi chuyện ổn rồi, cô ấy đã khỏi và sinh con trai. Gọi điện thoại cám ơn tôi mà cô ấy khóc nức nở rồi nói: Cháu chưa có điều kiện để đến tận nơi thăm và cám ơn nhưng mẹ con cháu cám ơn cô suốt đời”.

Từ mong muốn như 1 lời uỷ thác của người cha về 1 viên thuốc từ nguồn dược liệu quý của Việt Nam, người con gái cả của nguyên Tổng biên tập Bách khoa Toàn thư- Viện trưởng Viện Kinh tế Sinh thái đã không phụ lòng sự mong mỏi đó. CRILA ra đời được xếp vào kho tàng thuốc điều trị khối u, ung bướu và bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt đi từ nguồn gốc dược liệu. Người đưa cây Trinh Nữ Hoàng Cung lên ngôi là  người Việt Nam- 1 nhà khoa học nữ. Dù đã ở tuổi 56, trong bà vẫn cháy bỏng niềm đam mê với các công trình nghiên cứu điều chế thuốc từ dược liệu trong nước. Mong muốn tột cùng của người phụ nữ nhân hậu này là nghiên cứu thêm để CRILA chữa trị cả ung thư và phối hợp Trinh Nữ Hoàng Cung với 1 vài loại cây khác của Việt Nam để kích thích hệ miễn dịch của người bệnh, nhằm hỗ trợ việc điều trị Aids cho bệnh nhân AIDS.

Rất chân thành, bà tâm sự: “Đam mê thì nhiều nhưng chỉ sợ thời gian, tuổi tác và sức khoẻ không cho phép mình đi trọn con đường. Mình sẽ cố gắng đi đoạn đầu gian khó rồi bàn giao cho các nhà khoa học trẻ tiếp tục thay mình. Hạnh phúc nhất là những thành quả lao động của mình đã đem đến niềm vui và cuộc sống mới cho nhiều người bệnh”. Nhìn gương mặt ngập tràn hạnh phúc của bà. Tôi như thấy trong ánh mắt hân hoan và nụ cười hồn hậu ấy, ngút ngàn tình yêu cuộc sống, tình yêu thương con người. Cũng chính từ cội nguồn thiên liêng ấy, bà đã đam mê đến tận cùng với khoa học, thắp lên ngọn lửa từ trái tim mình vì những người bệnh .

LÊ THANH THUÝ