Long thành sẽ là vùng đất phát triển thảo dược trinh nữ hoàng cung ?

05/04/2006
Cách đây 9 tháng (tháng 7-2005), viên thuốc Crila, sản phẩm 100% được chiết xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung (TNHC) dùng chữa trị bệnh u xơ tử cung và phì đại tuyến tiền liệt đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chính thức cấp phép. Việc ra đời thuốc đặc trị Crila không chỉ mang lại niềm vui cho bệnh nhân, mà còn mở ra một hướng sản xuất mới trong nông nghiệp, đó là nghề trồng dược liệu. Vùng đất đang trong tầm ngắm của các nhà khoa học để phát triển “nàng” TNHC chính là huyện Long Thành…

15 năm đi giải mã bài thuốc của ngự y thời Nguyễn

Sở dĩ loại thảo dược này có tên gọi khá kiêu sa là TNHC (trong dân gian còn gọi là cây tỏi lơi hay Tây nam văn châu lan), bởi ngày xưa thường được ngự y (thầy thuốc riêng của nhà vua) dùng làm bài thuốc chữa trị cho các mỹ nữ trinh tiết được tuyển chọn vào cung nhưng không được vua chú ý đến nên mắc phải một số bệnh phụ nữ. Đã có một thời dư luận về TNHC có khả năng chữa được bệnh ung thư, khiến nhiều nhà khoa học và các lương y tập trung đổ xô vào nghiên cứu, nhưng rồi kết quả vẫn mờ mịt. Bài thuốc chữa bệnh của TNHC được nhiều người dân sử dụng là theo lối truyền miệng trong dân gian: lấy lá cây sắc nước uống. Thế rồi duyên kỳ ngộ giữa “nàng” TNHC với nhà khoa học tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm (NCPT&SXDP) Crina bắt đầu vào năm 1990. Tiến sĩ Trâm kể: “Năm ấy tôi vào Huế công tác, chủ yếu đi tìm cây thuốc. Trong khi ngồi nghỉ uống nước bên đường, qua câu chuyện mới biết được bà chủ quán nước là cháu của một ngự y thời Nguyễn. Mừng quá tôi liền hỏi về chuyện cây thuốc chữa bệnh thì bà ấy cho biết là gia đình bà có một bài thuốc chữa u xơ tử cung bằng cây TNHC. Vậy là tôi đi tìm ngay cây ấy để nghiên cứu”.

Do trong nước thiếu thiết bị nên tiến sĩ Trâm đã phải làm “visa” đưa “nàng” TNHC sang Bungari (Trường đại học kỹ thuật Sophia và Viện hàn lâm Bungari nơi tiến sĩ Trâm công tác) để nghiên cứu. Qua 15 năm miệt mài nghiên cứu cuối cùng “nàng” TNHC đã hóa thân thành thuốc Cila, loại tân dược đang được nhiều bệnh nhân trong và ngoài nước mơ đến. Tiến sĩ Trâm cho biết, hiện nay những người mắc bệnh u xơ tử cung và u xơ tuyến tiền liệt (hay còn gọi là phì đại lành tính tuyến tiền liệt) được điều trị bằng một loại thuốc của nước ngoài nhưng loại thuốc này chỉ cải thiện tiểu tiện, không chữa được lành bệnh. Những bệnh nhân bị bệnh nặng phải phẫu thuật. Việc phẫu thuật căn bệnh này vừa tốn kém, lại có thể bị tai biến. Riêng đối với thuốc Crila, sản phẩm đã được thử nghiệm lâm sàng ở một số bệnh viện lớn như: bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, bệnh viện Y học cổ truyền TP. Hồ Chí Minh, Viện lão khoa Hà Nội đã cho thấy, việc cải thiện mức độ rối loạn tiểu tiện trên bệnh nhân có u phì đại lành tính tuyến tiền liệt giảm bình quân từ 93.3% xuống còn 33,3%; 90% bệnh nhân giảm thể tích u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, trong đó hơn 33% có kích thước tuyến trở lại bình thường sau 2 tháng điều trị. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh u xơ tuyến tiền liệt ở Việt Nam có tới 59.18% ở nam giới sau 40 tuổi và 76,93% trên 50 tuổi. Ở Châu Âu, căn bệnh u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới trên tuổi 40 lên đến 80,1%.

Long Thành có thể phát triển dược liệu Trinh nữ hoàng cung?

Qua cuộc khảo nghiệm khí hậu và chất đất, thì vùng đất được xác định để phát triển thích hợp nhất cho các “nàng” TNHC là địa phận huyện Long Thành. Hiện nay, trong khuôn viên trại dược liệu Trung ương 2 (thuộc xã Long Phước) rộng khoảng 18 héc ta, thì có đến 12 héc ta đã được trồng kín TNHC đang cho thu hoạch. Tiến sĩ Trâm cho biết, Trung tâm NCPT&SXDP Crina (thuộc Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2) đang thiếu vào khoảng 20 héc ta đất để trồng cây TNHC. “Sắp tới chúng tôi sẽ xuống một số xã của huyện Long Thành để hợp đồng thuê đất của nông dân trồng TNHC mới đủ nguồn nguyên liệu cho chiết xuất làm thuốc Crila cung cấp cho thị trường trong nước. Đây là loại thuốc được chiết xuất từ thảo dược nên một số nước ở Châu Âu đã đặt hàng nhưng chúng tôi không dám nhận vì nhu cầu thuốc trong nước còn chưa đủ, việc đó sẽ tính sau này” – tiến sĩ Trâm nói.

Theo ý đồ của Trung tâm NCPT&SXDP Crina, trong giai đoạn 1, từ nay đến giữa năm 2007, trung tâm sẽ tìm đủ diện tích đất trồng TNHC phụ vụ sản xuất thuốc tiêu thụ trong nước. Giai đoạn 2 sau đó tiến hành tìm khoảng 100 héc ta để trồng TNHC phục vụ việc sản xuất thuốc Crila xuất khẩu. Theo đánh giá của các nhà khoa học, thì việc trồng dược liệu cũng là một hướng phát triển nông nghiệp đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Những vùng trồng dược liệu như vậy được xem là nông nghiệp sạch. Tiến sĩ Trâm cho biết thêm, sở dĩ trung tâm phải thuê đất của nông dân và đồng thời thuê luôn nông dân làm công nhân, vì đây là loại cây dược liệu nên việc quản lý rất nghiêm ngặt, hoàn toàn không được sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Nếu tiến hành theo phương án đầu tư và thu mua sản phẩm như một số mặt hàng nông nghiệp khác sẽ không quản lý được chất lượng của sản phẩm.

Nói đến hiệu quả kinh tế của việc phát triển cây TNHC trong sản xuất nông nghiệp, tiến sĩ Trâm cho rằng, trồng TNHC nông dân sẽ có lãi và thu nhập ổn định hơn với các loại cây hoa màu khác. Hiện tại trại dược liệu Trung ương 2 phải thuê tới 60 công nhân với mức lương hơn 1 triệu đồng/ tháng/ người. Tính ra, mỗi héc ta phải cần 5 công nhân chăm sóc cây TNHC. Công nhân hoàn toàn làm việc theo giờ hành chính, không phải lo đến việc mất mùa; không tiếp xúc với các chất hóa học. Biết được thông tin Trung tâm NCTP&SXDP Crina có nhu cầu về đất để trồng TNHC, một hợp tác xã của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến liên hệ hợp tác trồng TNHC nhưng Trung tâm Crina còn đang lưỡng lự, bởi điều kiện cũng như dự định sau này nhà máysản xuất thuốc Crila sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp Nhơn Trạch. Chính vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu dược thảo TNHC tại huyện Long Thành đang được trung tâm ưu tiên nhất.

Bài, ảnh: VÂN NAM