Người phụ nữ dành trọn niềm đam mê cho thảo dược

18/01/2022

Một nhà thơ người Đan Mạch đã từng cho rằng: “Không thể tồn tại mà không có đam mê”. Khi có niềm đam mê, chúng ta sẽ có sự nhiệt tình, cháy hết mình trong công việc, học tập, do đó có thể phát huy được một cách tốt nhất năng lực của mình để vươn đến thành công. Nhờ có niềm đam mê các nhà nghiên cứu khoa học đã vượt qua những khó khăn, thất bại để đem đến những thành tựu khoa học vĩ đại cho nhân loại. TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm cũng vậy, niềm đam mê cháy bỏng mà bà luôn mang trong trái tim mình chính là cống hiến suốt cuộc đời cho niềm đam mê khoa học. Chính với niềm đam mê ấy, bà đã lao động, nghiên cứu, cống hiến không biết mệt mỏi cho sự phát triển của ngành dược nói chung và dược liệu Việt Nam nói riêng.
Khơi nguồn niềm đam mê
TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm sinh ra ở xứ Nghệ trong một gia đình nho giáo. Cha là GS. TSKH. AHLĐ Nguyễn Văn Trương - nguyên tổng biên tập Bách khoa toàn thư Việt Nam, viện trưởng Viện Kinh tế Sinh thái. Mẹ là hậu duệ của nhà thơ Nguyễn Công Trứ. Chính nhờ vậy mà bà đã được thừa hưởng truyền thống hiếu học và sự thông minh từ phía dòng tộc. Tấm gương về người cha luôn say mê với những công trình nghiên cứu, cộng với những bài học vỡ lòng đầu tiên trong những câu chuyện kể của cha về các nhà khoa học và các loài thảo dược Việt Nam đã hình thành và nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu cây cỏ của bà trong suốt cuộc đời.
Khi mới vừa 24 tuổi, TS. Trâm đã được giới khoa học biết đến với công trình đầu tay “Chiết xuất tinh dầu từ cây húng chanh” để điều chế thuốc ho cho trẻ em. Thời gian sau đó là những chuỗi ngày nỗ lực nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Kỹ thuật Hóa Sofia, Bulgaria. Năm 1990, bà đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ “Nghiên cứu thành phần hóa học của tinh dầu thảo quả Việt Nam”, xác định được thành phần và cấu trúc của 45 hợp chất có trong tinh dầu thảo quả,  được trường giữ lại làm trợ giảng và sau đó trở thành cộng tác viên của Viện Hàn Lâm khoa học Bulgaria. Nhiều năm trời dài đằng đẳng phải sống xa gia đình, xa chồng con và đối diện với biết bao khó khăn, vất vả ở đất bạn, vậy mà bà vẫn luôn kiên định một lòng cho ước mơ làm khoa học.


Hữu duyên Trinh nữ hoàng cung
Ngay sau khi trở về nước, TS. Trâm lao vào một hành trình không mệt mỏi với việc nghiên cứu các loại thảo dược Việt Nam. Bắt đầu từ những năm 1990, trên bước đường rong ruổi tìm kiếm những dược liệu từ thiên nhiên để điều trị các bệnh về khối u, bà đã may mắn bắt gặp một loài thảo dược mang tên Trinh nữ hoàng cung. Như duyên trời đã định, TS.Trâm đã say mê và dành hết thời gian, tâm trí cũng như công sức để nghiên cứu và khai thác về công dụng của cây dược liệu quý này.
Năm 2005, Hội đồng Khoa học công nghệ của Bộ Y tế đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu của TS. DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm cho thuốc Crila được chiết xuất từ cây Trinh nữ Crila (Một thứ mới của loài cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam) với bệnh phì đại tuyến tiền liệt đạt hiệu quả 89,18%. Đến năm 2007 thuốc Crila được bổ sung cho công dụng điều trị bệnh u xơ tử cung đạt hiệu quả 79,5%.
Công trình nghiên cứu của TS Trâm đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ và đưa bà đến giải thưởng Kovalevskaia năm 2007 – một giải thưởng cao quý dành cho nữ khoa học gia có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa. Đến năm 2012, bà đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.
Kênh truyền hình Healling Quest nổi tiếng của Mỹ đã làm một chương trình truyền hình về bà cùng cụm công trình nghiên cứu Trinh nữ hoàng cung, sau đó phát sóng trên khắp các nước Mỹ, Anh, Canada, … gây được chú ý của giới khoa học và khán giả trên khắp thế giới.
Nối tiếp đam mê nghiên cứu khoa học
Không dừng lại ở việc nghiên cứu về cây Trinh nữ hoàng cung, bà tiếp tục đi tìm kiếm từ dược thảo Việt Nam các chất mới có tác dụng sinh học điều trị bệnh trĩ ở trong nguồn dược liệu quý Việt Nam. Từ những năm 2000, TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã phát hiện tác dụng của cây dền gai và rau sam trong việc điều trị bệnh trĩ. Sản phẩm ra đời đã vạch ra hướng đi mới trong việc điều trị bệnh trĩ bằng cách sử dụng thành phần dược liệu mới như rau sam và dền gai, vì các bài thuốc cổ phương cũng như sách về dược liệu chưa viết về khả năng chữa trị bệnh trĩ của dền gai mà chỉ có các bài thuốc dân gian làm mát cơ thể và trị táo bón có thành phần rau sam.
Sản phẩm đã được thử nghiệm lâm sàng qua ba giai đoạn theo Quyết định của Bộ Y tế tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an. Sản phẩm được nghiên cứu thời gian dài về thực vật học, tác dụng sinh học, chiết xuất, bào chế và lâm sàng vì vậy có nhiều điểm vượt trội so với các sản phẩm đang có trên thị trường.
Hiện tại, dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng bà vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ, ngày ngày vẫn tiếp tục duy trì niềm đam mê khoa học để tiếp tục thực hiện trọng trách đối với ngành dược nước nhà và  tiếp tục cống hiến cho các hoạt động vì sức khỏe của cộng đồng.