Chế tài chưa đủ mạnh, quyền bảo hộ giống cây Trinh nữ hoàng cung bị xâm phạm

21/07/2017
-ĐÔNG HƯỜNG-

Bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) theo một hệ thống riêng biệt đang là xu thế có tính chất phổ biến của các quốc gia. Mục tiêu để phát hiện, chọn, lai tạo giống mới. Tuy nhiên, trên thực tế quyền BHGCT đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
 
Theo các chuyên gia quy trình để tạo ra một giống cây trồng mới thường tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Chính vì vậy nhiều cơ sở đã chọn cách “ăn theo” để làm lợi cho mình, bất chấp pháp luật.

“Ăn theo” bản quyền cả cây thuốc

Ngày 02/04/2013, Văn phòng BHGCT mới – Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã công nhận về tính khác biệt rõ ràng (có căn cứ khoa học) giữa cây Trinh nữ hoàng cung mà TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu và các cây náng lá rộng khác tại Việt Nam cũng thuộc loài Crinum latifolium L. trong quần thể Crinum ở Việt Nam. Chính vì điều này, cây thuốc mang tên Trinh nữ Crila đã được cấp bằng BHGCT (số 26 VN 2015 ngày cấp 16 – 8 – 2015), TS.Nguyễn Thị Ngọc Trâm là chủ sở hữu cũng là tác giả.

 

 
Vùng trồng cây thuốc Trinh nữ Crila đã được BHGCT

 
Theo Cục trồng trọt đến thời điểm hiện tại chỉ duy nhất giống cây Trinh nữ Crila được công nhận BHGCT là cây thuốc.

Được biết, giống cây trồng này TS.Trâm ủy quyền duy nhất cho Công ty TNHH Thiên Dược trồng và khai thác. Thế nhưng trên thị trường nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, kinh doanh nguyên liệu cây trinh nữ hoàng cung nhưng lại sử dụng các kết quả nghiên cứu của TS.Trâm để quảng cáo cho sản phẩm của họ cũng như sử dụng làm cơ sở khoa học để sản xuất các sản phẩm từ trinh nữ hoàng cung. Hoặc có vài nơi trồng, kinh doanh nguyên liệu cây trinh nữ hoàng cung nhưng lại quảng cáo rằng đây là cây do TS.Trâm nghiên cứu. Không biết là họ vô tình hay cố tình không hiểu, nếu nguyên liệu đó đúng là cây đã được cấp bằng bảo hộ thì họ đã vi phạm quyền tác giả giống cây trồng; còn nếu là cây khác nhưng “ăn theo” bằng bảo hộ giống cây trồng thì rõ ràng “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

TS.Trâm cho biết: “Sản phẩm thuốc Crila và thực phẩm chức năng Crilin được bào chế từ các alcaloid có hoạt tính sinh học của cây Trinh nữ Crila thuộc loài Trinh nữ hoàng cung (Crinum latifolium L.) đã được BHGCT mới. Tuy nhiên do các cây náng lá rộng ở Việt Nam giống với cây Trinh nữ Crila nên nhân dân nhầm lẫn gọi chung là Trinh nữ hoàng cung. Không những người dân mà còn có nhiều đơn vị kinh doanh sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh ung bướu cũng đã nhầm lẫn cây Trinh nữ Crila với các cây náng lá rộng khác chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể gây tác dụng phụ đối với gan, thận người tiêu dùng. Ngoài ra, khi quảng cáo sản phẩm họ lại cố tình lấy các kết quả nghiên cứu của tôi để chứng minh sản phẩm của họ sản xuất có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Điều này là sai!”

Lập lờ vì lợi nhuận

Theo điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, thì các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ bằng BHGCT:

- Khai thác, sử dụng các quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được phép.

- Sử dụng tên giống cây mà tên đó trùng hoặc tương tự với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi với giống cây trồng đã được bảo hộ.

- Sử dụng giống cây trồng đã được bảo hộ mà không trả tiền đền bù.

Theo điều 186 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì chủ bằng BHGCT có các quyền sau:

- Cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây: Sản xuất, nhân giống, chế biến nhằm mục đích nhân giống, chào hàng, bán, thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu giữ.

- Ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng.

- Để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền.

Đồng nghĩa với các điều luật này thì các đơn vị cũng như cá nhân không thể tự ý trích dẫn hay sử dụng các kết quả nghiên cứu của TS.Trâm để quảng cáo cho sản phẩm của họ cũng như sử dụng làm cơ sở khoa học để sản xuất các sản phẩm từ trinh nữ hoàng cung. Họ cũng không được phép trồng và phát triển cây Trinh nữ Crila nếu không có sự đồng ý của tác giả.



 
TS. Trâm nhấn mạnh: “Bằng BHGCT có ý nghĩa giúp người bệnh hiểu sản phẩm chúng tôi sản xuất từ cây Trinh nữ Crila, không giống 6 cây náng khác có ở Việt Nam mà nhân dân gọi là Trinh nữ hoàng cung. Nếu đơn vị nào trồng cây Trinh nữ Crila phải có sự đồng ý của tôi. Qua đây người tiêu dùng cũng có thể phân biệt cây làm thuốc đã được nghiên cứu. Ngoài ra tất cả ý kiến, nghiên cứu, tài liệu của tôi là nói về Trinh nữ Crila, nếu gắn với cây Trinh nữ hoàng cung chung chung hoặc sản phẩm nào khác, hoặc nguyên liệu nào khác không phải do tôi sản xuất, trồng thì đều sai phạm, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng”.

Vi phạm quyền BHGCT: phạt 50 triệu đồng

Điều 12 Nghị định 114/2013/NĐ – CP  quy định cụ thể như sau: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm liên quan đến vật liệu nhân của giống cây trồng đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của chủ bằng BHGCT.


TS, DS Trâm (áo tím) đang kiểm tra nguyên liệu sơ chế

Theo các chuyên gia, mức phạt theo quy định hiện hành không “thấm vào đâu” so với doanh thu của các cơ sở cố tình xâm phạm quyền bảo hộ, cần có chế tài mạnh mẽ hơn.