Người khám phá bí mật Trinh Nữ Hoàng Cung Bài 3: HAI NỖI KHỔ THỜI HIỆN ĐẠI

05/10/2005
Điều nghịch lý là trong khi phần đông "quý ông" bước qua độ tuổi 40 và "quý bà" bước vào độ tuổi "tam thập" đang "chín rộ" trí tuệ và tài năng để cống hiến cho xã hội thì tạo hóa lại buộc họ phải đối mặt với một căn bệnh nan y mà các nhà khoa học đang gọi là... ung bướu!

Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm về "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất alcaloid toàn phần từ lá cây Trinh nữ hoàng cung dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị bệnh u xơ tuyến tiền liệt, u xơ tử cung" từ năm 2001 cho thấy, không phải đến bây giờ mà từ những thế kỷ xa xưa, khi con người bước sang "bên kia dốc cuộc đời" thì thường bị... rối loạn tuyến nội tiết.

Theo tiến sĩ Trâm, ở nam giới, khi bước vào tuổi 45 thì thường phải bắt đầu đối mặt với các triệu chứng như rối loạn tiểu tiện biểu hiện ở hai hội chứng: kích thích và tắc nghẽn, gây nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn, bí đái, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, suy thận... Những dấu hiệu đó, khoa học ngày nay gọi là phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Nếu như phì đại tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới sau tuổi 40 thì u xơ tử cung cũng có thể "viếng thăm" các quý bà từ độ tuổi 35. Nguyên nhân chính của khối u này là do cường độ estrogen kéo dài. Khi cổ tử cung xuất hiện khối u sẽ gây ra một số triệu chứng như rong kinh, rong huyết, băng kinh, vô sinh, đẻ non... và chèn ép vào các tạng trong tiểu khung. Dùng những loại thuốc lâu nay để đối kháng estrogen có thể giảm ra huyết, giảm sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, tác dụng của những loại thuốc ấy cũng chỉ là tạm thời, nếu ngừng điều trị, u xơ có thể to trở lại và nguy cơ phẫu thuật là khó tránh khỏi.

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung đều do rối loạn nội tiết gây ra. Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng cuộc sống ngày càng hiện đại, tuổi thọ con người ngày càng tăng thì... nguy cơ mắc bệnh về tuyến tiền liệt là không thể tránh khỏi. Hằng năm có khoảng 11,7 triệu người ở Mỹ "gõ cửa bác sĩ" vì những biểu hiện của bệnh này, trong đó có khoảng 400.000 bệnh nhân phải phẫu thuật. Ở những nước đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh cũng đang tăng dần theo lứa tuổi. Riêng ở Việt Nam, điều tra dịch tễ của giáo sư tiến sĩ Trần Đức Thọ và cộng sự tiến hành trên cả nước cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới trên độ tuổi 50 là 63,8%. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng làm cho loại bệnh này có điều kiện xuất hiện trong cơ thể. Những người sống ly thân, ly dị, những người có cuộc sống tình dục không cân bằng, những người thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến nội tiết. Đặc biệt đối với nữ giới, những người sống độc thân có nguy cơ mắc bệnh về u xơ hơn những người lập gia đình. Tỷ lệ phụ nữ bị u xơ tử cung ở Việt Nam hiện nay cũng được coi là khá cao, riêng Bệnh viện Phụ sản trung ương mỗi năm phải tiến hành phẫu thuật khoảng 1.000 trường hợp, tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng vài ngàn trường hợp khác.

Theo tiến sĩ Trâm, sau những sự cố gắng không ngừng của các nhà khoa học trên thế giới nhằm tìm ra nguyên nhân sinh bệnh phì đại tuyến tiền liệt từ hàng thế kỷ, đến nay họ cũng chỉ đưa ra giả thuyết: "Testosteron là sản phẩm chủ yếu của tế bào leyding trong tinh hoàn. Người ta biết testosteron tự do không gây u phì đại tuyến tiền liệt. Nhưng dưới tác dụng của 5a-reductase, testosteron sẽ chuyển hóa thành dihydrotectosteron (DHT), một chất chuyển hóa hoạt tính gắn vào các thụ thể trong tế bào tuyến tiền liệt làm phân chia nhân tế bào, làm tăng sinh và u phì đại tuyến tiền liệt". Trong lịch sử y học thế giới, đã từ lâu người ta phát hiện những người đàn ông bị hoạn từ bé thì... sẽ tránh được bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Năm 1941, một nhà khoa học đã đề xuất áp dụng rộng rãi phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách... cắt bỏ tinh hoàn hoặc dùng một hoóc-môn chống lại androgen là setrogen (vì androgen và cụ thể hơn là testosteron có tác dụng gây cảm ứng và làm tiến triển u tuyến tiền liệt). Và công trình này đã đưa tác giả đến giải thưởng Nobel năm 1966.

Việt Nam hiện vẫn đang theo hai phương pháp điều trị của thế giới là nội khoa và ngoại khoa. Ngoại khoa là cắt u nội soi và mổ bóc tách u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đường trên. Nhưng phương pháp này bị coi là "hạ sách" vì chi phí cao và sau mổ có thể xảy ra biến chứng. Còn nội khoa là điều trị dùng thuốc. Cách này đơn giản và thuận lợi cho cả những bệnh nhân có u xơ tuyến tiền liệt kèm theo bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, huyết áp... nhưng lại cũng gặp "cái khó" là vấn đề thuốc. Trong số 5 nhóm thuốc có mặt trên thị trường lâu nay thì có hai viên thuộc nhóm "có nguồn gốc thiên nhiên" được coi là không có tác dụng phụ vì được sản xuất từ thảo dược, nhưng công dụng cũng chỉ đến mức "chống viêm, lợi tiểu" chứ chưa giải quyết vấn đề một cách căn cơ.

"Để có thuốc điều trị có hiệu quả, các nhà khoa học trên thế giới đã cố gắng tìm kiếm sản phẩm thuốc đi từ nguyên liệu thiên nhiên, bán tổng hợp, tổng hợp hóa học. Nhưng cho đến nay chưa có được một sản phẩm chữa bệnh phì đại tuyến tiền liệt thực sự có kết quả, làm giảm kích thước của khối u và làm cho bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn trên thị trường trong và ngoài nước" - tiến sĩ Trâm nhận xét.

Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi những thông tin về "đặc điểm tối ưu" của "Trinh nữ hoàng cung" lan tỏa trong dân gian đã lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học đi vào nghiên cứu. Có lẽ cũng chính vì vậy mà khi bắt tay vào nghiên cứu, tiến sĩ Trâm đã nghĩ đến mục tiêu sẽ đưa "Trinh nữ hoàng cung" của mình vươn ra tầm quốc tế.